Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại tổ.
Cùng dự có các đồng chí: Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Lê Thị Nga, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Hồ Đức Phớc, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Các đại biểu đánh giá 2021 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, dịch COVID-19 bùng phát trên toàn quốc, diễn biến nhanh, phức tạp. Đầu năm 2022, tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, giá xăng, dầu tăng, lạm phát có xu hướng tăng cao, vì vậy, đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời. Qua đó, kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc, đời sống, việc làm người lao động, an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được tăng cường.
Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh phát biểu thảo luận.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng lo lắng trước bức tranh kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro. CPI tháng 4 tăng cao, giá dầu tăng cao, tác động tiêu cực đến giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển; giải ngân vốn đầu tư công vẫn đạt thấp; các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội triển khai chậm; kế hoạch thu bảo đảm cân đối ngân sách còn nhiều thách thức; nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định. Các đại biểu cũng đã kiến nghị các giải pháp cả trong ngắn hạn của năm 2022 cũng như giải pháp dài hạn; chú ý những yếu tố thuận lợi và khó khăn; cách thức giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Tham gia ý kiến cụ thể vào các nội dung, đại biểu Nguyễn Đắc Vinh bày tỏ nhất trí các nội dung trong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với môn Lịch sử bậc THPT, đại biểu đề nghị cần quy định môn học Lịch sử bậc THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà tham gia thảo luận.
Đại biểu Lò Thị Việt Hà nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tình hình dịch bệnh Covid - 19 đã được kiểm soát tốt, việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp được triển khai kịp thời, kinh tế - xã hội đang được phục hồi và phát triển. Đồng chí đề nghị báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến lao động, việc làm; các chính sách an sinh xã hội; chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia… Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm có giải pháp đối với một số bất cập liên quan đến nguồn nhân lực ngành y tế, tình trạng y, bác sỹ bỏ việc tăng; y tế cơ sở còn chưa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh; việc mua sắm trang thiết bị y tế…
Thảo luận về đánh giá tổng kết Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, đại biểu Nguyễn Việt Hà khẳng định: Nghị quyết số 42 là chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giúp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2025 được dự báo diễn biến khó lường, lạm phát gia tăng, xung đột Nga - Ukraine, dịch Covid-19 vẫn còn ảnh hưởng và tác động tới kinh tế thế giới và kinh tế trong nước. Nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp khó khăn, nợ xấu có xu hướng tăng trong thời gian tới. Do đó, việc duy trì cơ chế, chính sách tại Nghị quyết số 42 và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là rất cần thiết.
Gửi phản hồi
In bài viết