Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp không thể chỉ đầu tư mua sắm ứng dụng trang thiết bị số mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số. Cùng với đó, có một thể chế số và cách làm đột phá sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam.
Chuyển đổi số còn chậm
Số hóa được hiểu là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số. Còn chuyển đổi số là khi có dữ liệu đã được số hóa, con người phải sử dụng các công nghệ như điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), internet kết nối vạn vật (IoT),... để phân tích dữ liệu, biến đổi và tạo ra một giá trị khác cấp cao hơn số hóa. Đây được xem là quá trình thay đổi mô hình cũ, truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp nhằm tăng tốc độ thị trường, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, năng suất lao động,...
Do đó, chuyển đổi số là một trong những hoạt động mở đầu quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự chuyển mình của doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới.
Đến nay, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã ít nhiều có những động thái trong chuyển đổi số, song quá trình này theo đánh giá là chưa thực chất. Nhiều doanh nghiệp mới số hóa được một phần nhỏ nhưng đã ngộ nhận chuyển đổi số thành công và còn nhầm lẫn giữa số hóa với chuyển đổi số.
Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có tới hơn 50% số doanh nghiệp được hỏi đã ứng dụng các công nghệ số trước khi có dịch Covid-19; hơn 25% số doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi có dịch Covid-19 và có ý định tiếp tục sử dụng công nghệ số, còn lại gần 17% số các doanh nghiệp chưa ứng dụng các công nghệ số nhưng đã có quan tâm. Tuy nhiên, cũng có đến 90% số doanh nghiệp được khảo sát cho thấy việc chuyển đổi số chưa thành công. Phần lớn doanh nghiệp chỉ tập trung ngay vào các giải pháp thông minh. Trong khi trên thế giới, việc chuyển đổi số sẽ cần trải qua ba bước đó là: Số hóa, kết nối và thông minh.
Trong đó, tập trung 50% tài lực cho số hóa hệ thống, 30% kết nối dữ liệu, 20% cho giải pháp thông minh. Nhưng ở Việt Nam thì làm ngược lại. Bên cạnh đó, có tới 60% doanh nghiệp được hỏi cho biết, rào cản lớn nhất họ gặp phải khi áp dụng chuyển đổi số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; chưa làm chủ các công nghệ lõi, hệ thống nền tảng cơ bản; hạ tầng số thiếu đồng bộ cùng với thách thức từ nhận thức của doanh nghiệp. Điều này đã làm cho quá trình chuyển đổi số đang diễn ra chậm, chưa đúng hướng.
Phó Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam Nguyễn Đức Thuận đánh giá, đến nay các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số vào các vấn đề như kinh doanh, mua hàng, bán hàng, quản trị nội bộ, logistics và marketing; trong đó có sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, thanh toán điện tử, sử dụng các phần mềm quản lý nhân sự từ xa, quản lý chứng từ, kho hàng,... Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số, thiết bị IoT, robot, dây chuyền tự động hóa hay hệ thống điều hành sản xuất còn rất yếu vì đây là lĩnh vực còn mới và chưa được quan tâm nghiên cứu, đầu tư đúng mức.
Nguyên nhân một phần bởi việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa còn có nhiều rào cản khi chi phí cao, thiếu cơ sở hạ tầng và cho rằng đây là “cuộc chơi” của các doanh nghiệp lớn. Còn với những doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính thì sợ rò rỉ dữ liệu, gặp khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh, trong việc tích hợp các công cụ công nghệ thông tin vào nền tảng dữ liệu cũ...
Chuyển đổi số để không tụt hậu
Chuyển đổi số là quá trình tất yếu của sự phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đã phát huy tác dụng trong bối cảnh dịch Covid-19. Do đó, trong những năm gần đây, Chính phủ đặc biệt quan tâm việc chuyển đổi số khi phê duyệt một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước thời kỳ mới.
Trong đó, các mục tiêu đề ra khá cụ thể như: Đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; kinh tế số đóng góp 30% GDP cả nước; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 20%; năng suất lao động hằng năm tăng ít nhất 8%,... Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội chuyển đổi số thành công để không tụt hậu, lệ thuộc; “nhanh chân” ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào quy trình sản xuất, chứ không chỉ áp dụng đối với các hoạt động quản trị, logistics, marketing, bán hàng,... để hướng đến nền sản xuất thông minh và từng bước tiến tới nền kinh tế số. Trong cuộc cạnh tranh để giữ và mở rộng thị trường, doanh nghiệp nào chuyển đổi số nhanh sẽ chiếm lợi thế và gặt hái được nhiều thành công so với sản xuất, kinh doanh truyền thống.
Việc hợp tác, bắt tay giữa các doanh nghiệp vốn đã trở thành một xu thế, mỗi doanh nghiệp một giải pháp để cùng giải một bài toán chung của xã hội, của quốc gia. Vì vậy, theo Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành, với hơn 29 triệu khách hàng sử dụng điện là một môi trường lý tưởng, tiềm năng cho các đối tác có thể phối hợp, gia tăng các dịch vụ nhằm tối đa hóa lợi ích cho khách hàng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân, nhằm thu hẹp “khoảng cách số” giữa khu vực thành thị với nông thôn. Đây là tiền đề vững chắc góp phần mang lại thành công trong việc triển khai chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2022, EVN dự kiến cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và tạo tiền đề để hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025.
Chính vì vậy, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số cùng các ban chuyên môn của EVN, các đơn vị thành viên đang tập trung triển khai những nhiệm vụ được giao theo đúng tiến độ; trong đó hoàn thành nhiệm vụ của bốn lĩnh vực trọng yếu gồm: Quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng.
Đồng Trưởng nhóm công tác kinh tế số thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) Hà Nguyễn cho rằng, trong chuyển đổi số, công nghệ là hỗ trợ, yếu tố con người mới trọng yếu. Người đứng đầu doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi bắt đầu từ chính tư duy, nhận thức chứ không chỉ là đầu tư các trang thiết bị số đơn thuần.
Doanh nghiệp nên có lộ trình chuyển đổi phù hợp khả năng để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Muốn vậy, doanh nghiệp cần hiểu rõ tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào chuyển đổi số để tăng sức cạnh tranh với hàng hóa cùng loại trên thị trường; bên cạnh đó, phải xem việc chuyển đổi số là chìa khóa cho sự phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Muốn vậy, Chính phủ phải thể hiện vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, khuyến khích chuyển đổi số và hỗ trợ tốt nhất cho quá trình triển khai bằng những thể chế số, cách làm số cũng như chính sách hỗ trợ số.
Có thể nói, việc phải đổi mới mô hình kinh doanh chính là rào cản lớn nhất cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp bên cạnh các khó khăn khác liên quan nguồn lực tài chính, công nghệ, giải pháp.
Tuy nhiên, sau hơn hai năm “sống chung” với dịch Covid-19 thì đây vừa là khó khăn vừa là cú huých quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam nhận ra tính ưu việt của chuyển đổi số, nhằm thoát khỏi quán tính cũ và đặt ra những yêu cầu cấp bách hơn nữa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, hiệu quả tối ưu hơn để vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Gửi phản hồi
In bài viết