Đại biểu dự tại điểm cầu tại Tuyên Quang.
Cùng tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội... Chương trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trong toàn quốc.
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu Tuyên Quang. Cùng dự có lãnh đạo Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị trong toàn tỉnh.
Trước khi vào nội dung chương trình làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dành 1 phút mặc niệm các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ cháy chung cư mi ni tại Hà Nội và lũ ống tại tỉnh Lào Cai xảy ra đêm 12, rạng sáng ngày 13-9.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành trong thực hiện phát triển kinh tế, xã hội.
DNNN giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng đã nỗ lực không ngừng, vượt qua bao khó khăn, thách thức, tiếp tục nỗ lực vươn lên, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để "đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu.
Thủ tướng mong muốn tại cuộc họp, đại biểu các doanh nghiệp nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất những giải pháp để tháo gỡ thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có 680 DNNN (trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%).
Các DNNN, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập của người dân lao động tăng lên. Một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất khẩu lớn, đóng vai trò quan trọng, lực lượng nòng cốt cùng với doanh nghiệp tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thành công kế hoạch phát tiển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công của quốc gia.
Tại cuộc họp, đại diện các tập đoàn, tổng công ty mong muốn Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ký kết hợp tác phát triển các lĩnh vực mới như, bán dẫn, công nghệ số...Đồng thời tháo gỡ về cơ chế, quy trình thủ tục, tăng vốn đều lệ cho doanh nghiệp phát triển.
Phát biểu kết luận chương trình làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ biểu dương, ghi nhận nỗ lực đồng thời chia sẻ khó khăn với DNNN trong thời gian vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ đưa thông điệp tới các doanh nghiệp cần chung sức đồng lòng, vượt qua thách thức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Chính phủ cũng tiếp thu toàn bộ những ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp. Trên cơ sở những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao, mạnh mẽ theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tháo gỡ khó khăn, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm quyền tự chủ trong hoạt động của DNNN theo nguyên tắc thị trường.
DNNN chiếm 38% tổng GDP toàn quốc, nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Với tinh thần trách nhiệm lớn lao vì sự phát triển của doanh nghiệp và quốc gia các khối DNNN phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, có trọng tâm, trọng điểm, "biến nguy thành cơ" để phát triển.
Đồng thời tiếp tục bảo toàn và phát triển vốn, tài sản, tích cực, chủ động ứng dụng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội và là cánh tay nối dài để Nhà nước thực hiện điều hành các chính sách, ổn định kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội...
Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, các DNNN cần tập trung tái cơ cấu, sắp xếp chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tham gia tích cực các chương trình dự án lớn của Nhà nước; thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, trong đó tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng...
Bên cạnh đó, DNNN cần tích cực, chủ động cụ thể hóa, triển khai các thỏa thuận đạt được giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam với các nước, các đối tác, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhất là sau các chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm 2022 và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây....
Gửi phản hồi
In bài viết