Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với doanh nghiệp nhà nước về tiên phong trong chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng (Ảnh: TRẦN HẢI).
Phát biểu ý kiến khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, gần đây, tình hình thế giới biến động rất nhanh với nhiều khó khăn, thách thức, do đó, càng khó khăn thì càng phải nỗ lực, cố gắng; toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội, trong đó có các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước càng phải nỗ lực, cố gắng, vì doanh nghiệp nhà nước được xác định là giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; những lúc khó khăn phải phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước.
Hội nghị này là dịp để chúng ta cùng nhau đánh giá tình hình mới hiện nay, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, độ mở nền kinh tế lớn, đang trong quá trình chuyển đổi, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế.
Do đó phải đánh giá tình hình chuẩn xác để có giải pháp phù hợp, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, càng khó khăn, áp lực, càng nỗ lực; phải bình tĩnh; không hoang mang, lo sợ, hoảng hốt, nhưng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác vì từ đầu nhiệm kỳ đến nay luôn xuất hiện những khó khăn, thách thức to lớn như đại dịch Covid-19; xung đột Nga-Ukraine, đứt gãy các chuỗi cung ứng liên quan năng lượng; bão Yagi…
Các đồng chí lãnh đạo, đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).
Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù vậy, chúng ta đã đoàn kết, thống nhất, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” vượt qua mọi khó khăn, thách thức; trong đó có vai trò rất quan trọng của doanh nghiệp nhà nước.
Theo Thủ tướng, những khó khăn mà đất nước gặp phải vừa qua chưa thể sánh bằng những khó khăn, thách thức, nguy hiểm trước đây, nhất là sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, những năm tháng đất nước bị cấm vận.
Từ đó chúng ta phải tự tin, tự hào dân tộc, bản lĩnh để đi lên, không ngại bất cứ khó khăn, thách thức nào. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan, phải tự thân vận động, phải vượt qua giới hạn bản thân; mỗi người, mỗi doanh nghiệp nhà nước phải đổi mới mạnh mẽ quyết liệt, tự tin vượt qua; phải phát huy sáng tạo, sáng kiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của nhân dân, bạn bè quốc tế để vươn lên.
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).
Hiện nay, chúng ta đang thực hiện 3 đột phá chiến lược; bộ tứ chiến lược trong đó thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp, tổ chức bộ máy; phải đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hội nhập quốc tế chuyển từ trạng thái tiếp nhận thụ động, sang trạng thái tiến kịp, đi cùng, vượt lên, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, phải tham gia “dẫn dắt cuộc chơi” cùng các nước trên thế giới; phải nỗ lực đạt tăng trưởng 2 con số trong những năm tới là hết sức thách thức trong bối cảnh hiện nay.
Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải nỗ lực vì không còn cách nào khác, các nước phát triển được như ngày như như Nhật Bản, Singapore, đều phải tăng trưởng cao, đột phá. Do đó phải tiến nhanh như vũ bão. Chúng ta xác định nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá; cần nhận thức rõ, Việt Nam có vị trí địa chiến lược, dân số trẻ, có nguồn tài nguyên thiên nhiên… là những lợi thế rất lớn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải vươn lên lớn mạnh, tham gia tích cực quá trình đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chúng ta cần khẳng định không chỉ có một thị trường mà có nhiều thị trường, không chỉ có động lực xuất khẩu mà các nhiều thị trường xuất khẩu; phải làm mới, đa dạng hoá thị trường; không có sản phẩm nào là duy nhất, chuỗi cung ứng duy nhất mà phải đa dạng hoá sản phẩm, chuỗi cung ứng; thực hiện những việc này đòi hỏi phải rất nhanh trong tình hình hiện nay.
Thủ tướng chỉ đạo cần đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Đông; chủ động đẩy nhanh đàm phán hiệp định thương mại với UAE, tiếp tục cân bằng thương mại với Trung Quốc... Mỗi người, mỗi tập đoàn, tổng công ty trên cương vị của mình phải nỗ lực, tham gia chuỗi cung ứng, 3 đột phá chiến lược mạnh mẽ hơn nữa.
Lãnh đạo các bộ, ngành, đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: TRẦN HẢI).
Chúng ta phải đoàn kết, thống nhất, tập trung phát huy mạnh mẽ thị trường nội địa; phải góp gió thành bão mới làm được. Thủ tướng tin tưởng với tinh thần yêu nước, trách nhiệm, chúng ta phải bàn, phải làm mạnh mẽ hơn, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”; phải bảo đảm tăng trưởng hơn 8% vì "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Thủ tướng nêu rõ, có thể nói, đây là “Hội nghị Diên Hồng” đối với doanh nghiệp nhà nước khi gặp khó khăn về thương mại trên thế giới hiện nay; cho biết, nhiều chuyên gia, học giả đều khẳng định, con người vẫn là quan trọng nhất, có nghĩa là trong doanh nghiệp nhà nước, đội ngũ cán bộ là quan trọng nhất. Hội nghị cần thống nhất nhận thức, hành động, phương pháp, cách làm, quyết tâm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, kiểm soát lạm phát, bảo đảm công ăn việc làm, sinh kế của người dân, từ đó đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô.
* Theo Bộ Tài chính, năm 2024, tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của 671 doanh nghiệp nhà nước (gồm 473 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) như sau:
Tổng tài sản: 5.656.447 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu: 2.960.993 tỷ đồng; tổng doanh thu 3.283.157 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế: 227.465 tỷ đồng…
Đối với các tập đoàn, tổng công ty (78 doanh nghiệp, số liệu theo báo cáo của Công ty mẹ), năm 2023: tổng tài sản là 1.942.295 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 1.167.769 tỷ đồng; tổng doanh thu đạt 1.201.915 tỷ đồng; lãi phát sinh trước thuế đạt 101.314 tỷ đồng; tỷ suất lãi phát sinh trước thuế vốn chủ sở hữu bình quân là 9%; tỷ suất lãi phát sinh trước thuế trên tổng tài sản bình quân là 5%.
Tổng các khoản phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước đạt 123.217 tỷ đồng. Trong đó, số lợi nhuận sau thuế phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước là 50.578 tỷ đồng. Số lợi nhuận sau thuế đã nộp ngân sách nhà nước trong năm 2023 (bao gồm cả số năm trước chuyển sang) là 59.369 tỷ đồng.
Ước thực hiện năm 2024, kế hoạch năm 2025: tổng doanh thu ước đạt 1.811.634,15 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2023. Kế hoạch năm 2025: 1.085.441 tỷ đồng; lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp ước đạt 188.279 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2023. Kế hoạch năm 2025: 109.339 tỷ đồng; thuế và các khoản đã nộp ngân sách nhà nước là 173.155 tỷ đồng.
Tình hình đầu tư phát triển: đến hết năm 2024, các doanh nghiệp nhà nước nói chung đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư để nâng cao năng lực, quy mô sản xuất kinh doanh. Các dự án cơ bản đều đã được doanh nghiệp nhà nước khẩn trương thực hiện bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt. Các dự án của doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, góp phần vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2024, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu ước đạt 160 nghìn tỷ đồng (bằng gần 80% kế hoạch năm và bằng 130% so với cùng kỳ); trong đó, các giá trị thực hiện đầu tư của một số dự án lớn, trọng điểm như sau:
Lĩnh vực năng lượng: Đã hoàn thành Dự án đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định 1-Phố Nối, đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối; Đang triển khai: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4; Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng; Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1; chuỗi dự án điện-khí lô B.
Lĩnh vực giao thông, hàng không: Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức-Long Thành; Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4 tại Lạch Huyện, Hải Phòng; Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2-Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3-Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Dự án thành phần 3-Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Trong lĩnh vực viễn thông: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) hoàn thành thực hiện các nhiệm vụ quan trọng và hoàn thiện các giải pháp nền tảng cho các lĩnh vực ưu tiên theo Chương trình chuyển đổi số Quốc gia; Tập trung triển khai các dự án trọng điểm quốc gia (Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Đề án Chuyển đổi số Bộ Quốc phòng); Xây dựng chiến lược kết nối quốc tế, trong đó thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng một tuyến cáp biển do Việt Nam làm chủ. Đưa vào khai thác Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam.
Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, Viettel hoàn thành nhiệm vụ đề án Al vượt mục tiêu đề ra. Các sản phẩm của đề án đã được ứng dụng, đưa vào trang bị phục vụ hiệu quả nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, góp phần hiện đại hóa Quân đội, tăng cường khả năng phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, Tập đoàn dự kiến thực hiện 1.314 dự án đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị với tổng mức đầu tư các dự án là 158.642 tỷ đồng, vốn đầu tư dự kiến thực hiện trong năm là 35.008 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có một số dự án lớn của các Tập đoàn, Tổng công ty như Dự án xây dựng bến số 7, số 8 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng và Dự án Nâng cấp Hiện đại hóa Cảng Cát Lái của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn; Dự án đầu tư Trung tâm dữ liệu của Tập đoàn VNPT...
Gửi phản hồi
In bài viết