Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 8/11, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết, mục đích xây dựng Luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm cả bảo đảm cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Cùng với đó, phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh phù hợp đặc thù công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu.
Các đại biểu dự phiên họp chiều 8/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đồng thời, huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học-công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế...
Nội dung cơ bản của dự thảo luật tập trung vào 5 chính sách nổi bật đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, gồm: (1) phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; (2) hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; (3) thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; (4) huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh; (5) bảo đảm hiệu quả hoạt động động viên công nghiệp...
Bộ trưởng Phan Văn Giang nêu rõ, các nguồn lực bảo đảm cho công nghiệp quốc phòng, an ninh gồm: nguồn vốn, nhân lực, đất đai phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và triển khai các hoạt động khoa học-công nghệ. Đối với nguồn vốn, dự thảo Luật quy định Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách và được cơ cấu thành khoản mục riêng trong tổng số vốn ngân sách Trung ương hằng năm, bảo đảm ổn định trong suốt quá trình phân bổ và giải ngân.
Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng nguồn vốn chuyên biệt phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh bổ sung cho các chương trình, đề án, dự án đầu tư, nhiệm vụ có tính cấp bách, nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị chiến lược, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt.
Về động viên công nghiệp, dự thảo luật mở rộng phạm vi đối tượng động viên công nghiệp gồm các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà thành viên hoặc cổ đông nước ngoài có tỷ lệ vốn góp không có quyền quyết định.
Nghiên cứu chế độ phù hợp cho người lao động ngành công nghiệp quốc phòng
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban nhận thấy, nội dung của dự thảo luật cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ, toàn diện quan điểm chỉ đạo của Đảng, với các mục tiêu, yêu cầu như: xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng… trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; phát triển liên kết công nghiệp quốc phòng an ninh và công nghiệp dân sinh; công nghiệp quốc phòng phải làm chủ được công nghệ tiên tiến, hiện đại…
Đồng thời, nghiên cứu vận dụng kinh nghiệm quốc tế; tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ các luật, pháp lệnh có liên quan, trong đó có những dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới, để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Về nguồn vốn cho phát triển, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với dự thảo luật quy định nguồn lực tài chính cho phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn thì việc huy động các nguồn hợp pháp khác như từ các quỹ, nguồn vay, tài trợ, trích lập sau thuế là phù hợp.
Theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, đây là vấn đề mới, việc triển khai phải gắn với chế độ bảo mật, do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để phù hợp với thực tiễn và thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về chế độ chính sách đối với người lao động, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định doanh nghiệp được chủ động trả lương cho người lao động, chuyên gia theo cơ chế thị trường.
Kinh phí trả lương của người lao động thuộc các đơn vị hạch toán tham gia phục vụ quốc phòng an ninh trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh, không bao gồm trong quỹ tiền lương thực hiện hàng năm, được xác định trên cơ sở đơn giá tiền lương được giao ổn định, quản lý tiền lương thông qua kết quả sản xuất kinh doanh.
Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để quy định chế độ, chính sách cho người lao động cho phù hợp với tính chất đặc thù trong cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh và với pháp luật liên quan.
Gửi phản hồi
In bài viết