Ảnh minh họa. (Nguồn: Viettel)
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt hơn 130.000 tỷ đồng trong năm 2020, tăng 0,3% so với năm 2019.
Thuê bao băng rộng (gồm băng rộng cố định và băng rộng di động) có mức tăng trưởng ấn tượng. Tính bình quân trong giai đoạn 2016-2020, thuê bao băng rộng cố định tăng trưởng 15%/năm, thuê bao băng rộng di động tăng 22%/năm.
Đến thời điểm hiện tại (1/2021), cả nước có hơn 1 triệu km cáp quang đã được triển khai đến tất cả các thôn, bản, xã, phường của 63/63 tỉnh, thành phố. Sóng di động hiện đã phủ tới 99,81% dân số, trong đó vùng phủ 3G, 4G phục vụ trên 98% dân số.
Về phát triển mạng 5G, việc thử nghiệm cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị do doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất, sẵn sàng cho việc triển khai thương mại 5G bằng thiết bị Việt Nam đã thành công.
Kết quả này đánh giá sự nỗ lực, sát sao chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như sự đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho các nhà mạng viễn thông Viettel, MobiFone, Vinaphone) thử nghiệm thương mại mạng và dịch vụ 5G.
Từ tháng 11/2020, các doanh nghiệp viễn thông đã khẩn trương tiến hàng thử nghiệm mạng 5G để đánh giá trước khi xem xét, triển khai diện rộng mạng 5G thương mại trong năm 2021.
Để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và trình Chính phủ xem xét, ban hành nghị định về thu tiền sử dụng tần số vô tuyến điện, tiến hành đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần, xây dựng quy hoạch tần số bảo đảm sẵn sàng cho việc triển khai 5G.
Việc triển khai 5G là yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh việc xây dựng chính phủ số đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai. 5G cũng là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy hạ tầng viễn thông, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số./.
Gửi phản hồi
In bài viết