Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế và văn hóa gắn với biển. Trong đó, vùng Duyên hải miền Trung được xem là nơi tạo dựng, bảo lưu những giá trị văn hóa biển. Từ xa xưa, người dân miền biển đã sử dụng nhiều loại ngư cụ khác nhau để khai thác thủy sản phục vụ cuộc sống. Bảo tàng Ngư cụ hiện trưng bày hơn 100 hiện vật đại diện cho nghề khai thác thủy sản, được chia thành 5 nhóm, gồm nhóm ngư cụ đóng (các loại lưới rê), nhóm ngư cụ lọc (lưới rùng, lưới vây, lưới chụp), nhóm ngư cụ kéo (các loại lưới kéo), nhóm ngư cụ cố định và ngư cụ bẫy (đăng, lồng bẫy...), nhóm ngư cụ câu, cùng các phương tiện khác như đèn bão, la bàn, mô hình tàu cá…
Bên cạnh những mẫu vật do đội ngũ cán bộ, giảng viên Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản tìm kiếm hoặc thực hiện mô hình, không ít mẫu vật được các thế hệ sinh viên sưu tầm, trong đó có những ngư cụ cổ truyền có nguy cơ mai một. Nhiều ngư cụ không còn nhưng được các giáo viên, sinh viên tìm hiểu thông tin, tài liệu để phục dựng.
Một trong những nhóm hiện vật mất nhiều thời gian bố trí nhất là mô hình địa hình sông biển, nơi bố trí các loại ngư cụ đại diện cho nghề khai thác thủy sản thô sơ mà các thế hệ ông cha đã sử dụng. Dựa trên thông tin, kiến thức về các vùng nước, cán bộ, giảng viên của Viện đã nghiên cứu và thể hiện ngành nghề khai thác bằng cách gắn các loại ngư cụ đặc trưng với từng vùng nước mặn - ngọt, nông - sâu, từ những vật dụng quen thuộc như chiếc nơm úp cá cho đến mô hình thu nhỏ hệ thống lưới bẫy cá ở nhiều vùng miền. Cũng từ mô hình này, khách tham quan bảo tàng có cái nhìn toàn diện về nghề khai thác thủy sản của dân tộc từ xưa đến nay.
Hiện nay, Bảo tàng Ngư cụ vẫn thường xuyên được cập nhật thông tin, lưu giữ các tài liệu, hiện vật được sưu tầm ở trong và ngoài nước với mục đích hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu khoa học và truyền bá thông tin nghề cá, là địa điểm tham quan lý thú về nghề khai thác thủy sản ở Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết