Bà đồng và thầy cúng chủ trì buổi lễ chứng kiến thầy cúng cấp sắc đội mũ, khoác bộ quần áo cúng mới.
Thầy cúng cao tay Ma Văn Tố, xã Minh Quang (Lâm Bình) cho biết, dân tộc Tày có nhiều loại thầy cúng như: Thầy Phù thủy, thầy Tào, thầy Pựt, thầy Then. Người làm nghề thầy cúng phải có rất nhiều điều kiện. Như gia đình, dòng họ đó phải có nhiều đời làm nghề thầy cúng. Bản thân người muốn làm thầy cúng phải thực sự có năng lực, uy tín trong cộng đồng và có khả năng giao lưu với thần linh. Thầy cúng phải biết đọc sách cổ, biết xem hướng, ngày đẹp, vận mệnh, tướng số. Vì vậy, trong đời sống của đồng bào Tày Tuyên Quang, thầy cúng có vai trò vô cùng quan trọng, có thể “cầm đầu ma” cho cả gia đình, dòng họ và cộng đồng làng bản. Mọi xui hên của năm, dân tộc đều do thầy cúng giải mã, quyết định.
Ở thôn Bản Chúa, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) có thầy cúng trẻ Quan Văn Tướng đã hành nghề thầy cúng được nhiều năm. Gia đình thầy Tướng đã có 6 đời làm nghề thầy cúng Phù thủy. Để hành nghề, ngoài có bàn thờ tổ tiên riêng thì phải có ban thờ Ngọc Hoàng, các thánh, thần linh ở gian bên cạnh. Thầy Tướng phải được thầy cúng cao tay hơn cấp sắc cho đi hành nghề. Việc cấp sắc này cũng theo năng lực thầy cúng, vì không phải ai cũng được cấp sắc hết bậc. Gia đình nào có bố đang làm nghề thầy cúng đã được cấp sắc, thì người con chưa được cấp sắc. Chỉ khi nào người bố khuất núi, thì người con làm nghề thầy cúng mới được làm lễ cấp sắc.
Đầu năm Nhâm Dần này thầy cúng Quan Văn Tướng, thôn Bản Chúa, xã Phúc Sơn được cấp sắc hết bậc. Nghi lễ cấp sắc được gia đình chuẩn bị chu đáo gồm rượu, vàng hương, hoa quả, xôi, đồ mặn. Anh em họ hàng, người thân được gia chủ mời đến dự lễ cấp sắc. Nghi lễ bắt buộc phải tổ chức ngoài trời, do thầy cúng cao tay chủ trì. Đầu tiên của lễ cấp sắc là nghi lễ dâng rượu mùa xuân đến Ngọc Hoàng, các bậc thánh thần, tổ tiên, dòng họ. Sau lễ dâng rượu là khai quang và xin quẻ âm dương. Bà đồng lúc này đóng vai trò lớn trong việc định hướng thầy cúng làm những công việc tiếp theo của buổi lễ. Trong việc cấp sắc cho thầy Tướng, gia đình còn phải làm cả lễ cấp sắc của người âm. Vì trước kia các cụ hành nghề thầy cúng, do điều kiện chưa được cấp sắc hết bậc. Nay cấp sắc cho con, cháu, chắt, thì phải cấp sắc đủ cho người âm. Thầy Tướng phải làm 2 bộ quần áo giấy màu đỏ để làm lễ cấp sắc cho các cụ đã khuất rồi hóa vàng gửi xuống cõi âm.
Thầy cúng Ma Văn Tố, xã Minh Quang làm lễ cấp sắc cho thầy cúng Quan Văn Tướng xã Phúc Sơn, Lâm Bình.
Nghi thức lễ cấp sắc của người Tày Phúc Sơn thường diễn ra trong 2 ngày. Sau khi các thủ tục cúng cấp sắc được hoàn thành, bà đồng và thầy cúng cao tay chủ trì buổi lễ đội mũ, mặc áo thầy cúng mới cho người vừa được cấp sắc. Thầy cúng vừa được cấp sắc vái Ngọc Hoàng và vị thánh thần các phương. Kết thức lễ cấp sắc ngoài trời là lễ cúng tạ ơn các ban thờ trong nhà. Báo cáo Ngọc Hoàng, thánh thần, tổ tiên, dòng họ về việc cấp sắc thành công viên mãn. Từ nay thầy cúng có đủ năng lực giúp cộng đồng, dòng họ, gia đình cúng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ, khỏe mạnh. Thầy cúng đã được phong một sức mạnh tâm linh siêu nhiên, có thể làm “trung gian” giữa Ngọc Hoàng, các vị thánh thần và cộng đồng. Hay nói cách khác “tạo mối liên hệ” giữa người âm và người dương. Các nghi lễ cúng đám ma, đám cưới, mừng thọ, giải hạn, vào nhà mới, cúng trẻ đầy tháng được thầy cúng chủ trì phải là thầy cúng cao tay.
Ở người Tày xã Phúc Sơn thầy cúng có uy tín lớn trong cộng đồng. Mọi hoạt động công to việc lớn của gia chủ đều phải thông qua thầy cúng. Bởi chỉ có thầy cúng mới “nói chuyện” được với Ngọc Hoàng, các vị thánh thần và người âm. Nên nghi lễ cấp sắc ở dân tộc Tày khá nghiêm ngặt, có nhiều tiêu chí, không phải cứ thích là làm thầy cúng được. So với dân tộc khác đây là nét văn hóa khá độc đáo, thể hiện “hồn cốt” tâm linh của người Tày.
Gửi phản hồi
In bài viết