Nhà hát “ba nón lá” ở Bạc Liêu được xếp hạng điểm du lịch tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: THU ĐÔNG).
Bạc Liêu là tỉnh nằm ở vùng bán đảo Cà Mau, mảnh đất lừng danh một thời bởi nhiều giai thoại về “Công tử Bạc Liêu”, một vùng quê giàu đẹp, có những cánh đồng lúa, đồng muối thẳng cánh cò bay. Đặc biệt, vùng đất này gắn liền với tên tuổi của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, “cha đẻ” của bài “Dạ cổ hoài lang”. Bạc Liêu được xem là “cái nôi” của nền ca cổ nhạc Nam Bộ.
Xuất phát từ đâu mà Bạc Liêu xây dựng Nhà hát Cao Văn Lầu có hình ba nón lá đan xen nhau độc đáo đến vậy?
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội Chính Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho biết: “Năm 2013, khi tỉnh triển khai xây dựng quảng trường Hùng Vương và Nhà hát Cao Văn Lầu, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lúc đó đã bàn bạc, trao đổi rất dân chủ, sôi nổi và kỹ lưỡng. Khi tôi trình bày ý tưởng và mời kiến trúc sư giỏi tại Thành phố Hồ Chí Minh thiết kế, giới thiệu rất cụ thể ý nghĩa, chi tiết về mô hình nhà hát “ba nón lá” này, hầu hết các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều thống nhất rất cao và quyết tâm triển khai thực hiện…”
Quảng trường Hùng Vương và Nhà hát “ba nón lá” là điểm nhấn cảnh quan du lịch của Bạc Liêu. (Ảnh: THU ĐÔNG).
Công trình Nhà hát “ba nón lá” Bạc Liêu được hoàn thành vào năm 2014, bao gồm khối nhà hát, nhà trưng bày và trung tâm hội nghị. Công trình văn hóa nghệ thuật này trở thành điểm đến mà các du khách phương xa không thể bỏ lỡ trong chuyến hành trình đến thăm Bạc Liêu. Công trình thiết kế mái nhà hình ba chiếc nón khổng lồ chụm vào nhau được xác lập kỷ lục là "Nhà hát có hình dạng ba chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam”.
“Nón lá là biểu tượng của văn hóa phương nam nói riêng, Việt Nam nói chung. Hình ảnh ba nón lá gần gũi, thân thương với đặc điểm của cư dân Bạc Liêu và đất Việt chúng ta gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ba mái nhà nón lá chụm lại với nhau còn là biểu tượng cho 3 dân tộc đông người nhất cộng cư lâu đời ở Bạc Liêu là người Kinh, người Hoa và người Khmer. Với ý nghĩa đặc biệt và tình cảm sâu sắc đó nên người dân địa phương còn gọi công trình Nhà hát Cao Văn Lầu này bằng một cái tên thân thương là Nhà hát “ba nón lá", một công trình văn hóa độc đáo mang vẻ đẹp rất riêng của Bạc Liêu…”, đồng chí Võ Văn Dũng cho biết thêm.
Nhà hát “ba nón lá” ở Bạc Liêu có tổng diện tích 2.262m2, được chia làm 3 khối có hình trụ tròn, mái hình chiếc nón lá hướng vào nhau, chiều cao nón lớn nhất hơn 24m. Công trình này cũng nhằm để tưởng nhớ, vinh danh cố nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu với bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng (tên chính thức của công trình là Nhà hát Cao Văn Lầu).
Nhà hát “ba nón lá” ở Bạc Liêu có tổng diện tích 2.262m2, được chia làm 3 khối có hình trụ tròn, mái hình chiếc nón lá hướng vào nhau, chiều cao nón lớn nhất hơn 24m. Công trình này cũng nhằm để tưởng nhớ, vinh danh cố nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu với bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng (tên chính thức của công trình là Nhà hát Cao Văn Lầu).
Vào buổi tối, khu vực mặt nước của hồ còn được khai thác hiệu ứng ánh sáng để hình ảnh cả nhà hát hiện lên lung linh, huyền ảo hơn. Hiện, Nhà hát Cao Văn Lầu thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật phục vụ người dân địa phương, du khách.
Ba chiếc nón cũng là phần trên cùng của 3 khối nhà. Khối nhà A là nơi diễn ra các sự kiện, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống như: Cải lương, dù kê, ca múa nhạc đương đại… với sức chứa hơn 850 chỗ. Khối nhà B là khu vực dành cho trung tâm hội thảo, hội nghị tầm cỡ khu vực và khối nhà C là nơi dành riêng để tổ chức các buổi triển lãm, trưng bày văn hóa nghệ thuật thu hút khách du lịch đến tham quan. Công trình được thiết kế theo mô hình ba chiếc nón lá vừa mềm mại, vừa sống động, gắn liền với đời sống sinh hoạt và lao động của người phụ nữ Việt Nam, dịu dàng, duyên dáng, chịu thương, chịu khó.
“Tôi đã từng đưa nhiều đoàn khách là nhà văn, nhà báo tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác đến tham quan quảng trường Hùng Vương và Nhà hát “ba nón lá” của tỉnh Bạc Liêu, ai cũng trầm trồ khen ngợi và yêu thích hai điểm du lịch này, đặc biệt là Nhà hát “ba nón lá” Bạc Liêu, vì thiết kế độc đáo, mới lạ, vừa mang tính dân tộc, vừa mang tính hiện đại, văn minh…”, Nhà văn Phan Trung Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ.
Gửi phản hồi
In bài viết