Đấu vật tại Lễ hội đình Thọ Vực, xã Hồng Lạc (Sơn Dương).
Những môn thể thao, trò chơi dân gian được tổ chức đã kết nối cộng đồng, cuốn hút du khách gần xa đến với Tuyên Quang khi mùa xuân đến...
Đánh đu: Chơi đu thường diễn ra vào những ngày Tết cổ truyền hay trong các ngày lễ hội đầu xuân ở các hội làng. Đánh đu thực sự đã trở thành nét đẹp văn hóa trong các dịp lễ, tết… khi các chàng trai, cô gái trong những trang phục rực rỡ sắc màu, hòa trong tiếng trống, tiếng reo hò cùng bay lên không gian tạo nên bức tranh ngày Tết tràn đầy sức xuân nơi miền quê thôn dã.
Đẩy gậy: Môn thể thao không thể thiếu trong ngày hội xuân đầu năm ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để tổ chức thi đấu môn thể thao này chỉ cần có gậy thi đấu làm bằng loại gỗ tốt, thẳng hoặc tre già có chiều dài 2 m, được sơn 2 màu khác biệt; thân gậy được làm nhẵn và có đường kính bằng nhau (khoảng 5 cm). Sân thi đấu là một vòng tròn có đường kính 5 m, có vạch giới hạn rộng 5 cm nằm trong phạm vi của sân. Trọng tài môn này thường mặc trang phục đồng bào dân tộc hoặc trang phục màu đen có thắt lưng bằng vải đỏ. Khi các vận động viên đã ở tư thế sẵn sàng, đúng luật, trọng tài một tay cầm chính giữa gậy, hô “chuẩn bị”, sau đó thổi một hồi còi phát lệnh cho hiệp đấu bắt đầu, đồng thời buông tay cầm gậy ra.
Môn đánh yến thu hút đông đảo người dân tham gia tại Ngày hội văn hóa các dân tộc xã Hồng Quang (Lâm Bình).
Ngoài những môn thể thao trên, trong dịp Tết, các môn thể thao dân tộc như bắn nỏ, đánh pam, đánh yến, đua thuyền... cũng xuất hiện tại các bản làng trong ngày hội xuân.
Các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian trong những ngày Tết không chỉ mang đến không khí vui tươi, hào hứng cho nhân dân, rèn luyện sức khỏe mà tạo sức hấp dẫn du khách trảy hội ngày xuân.
Đấu vật: Đấu vật là một môn thể thao được tổ chức thi tài vào dịp lễ, Tết, hội làng. Đây sẽ là cuộc đấu giữa 2 võ sỹ trên sân được nhiều người bao quanh thành vòng tròn với trọng tài là người sẽ điều khiển và giám sát trận đấu. Không chỉ là sức khỏe, đấu vật đòi hỏi sự thông minh, mưu trí và nhanh nhẹn của người tham gia. Về mặt kỹ thuật, môn đấu vật cũng có những chiêu riêng như đệm, bốc, ghì… giúp võ sỹ hạ gục đối phương. Ở Tuyên Quang môn đấu vật hiện nay được duy trì tổ chức thường xuyên tại Lễ hội Đình Thọ Vực, xã Hồng Lạc (Sơn Dương).
Ném còn: Đây là trò chơi phổ biến của dân tộc Tày, Nùng ở Tuyên Quang. Theo quan niệm của người Tày, người Nùng, quả còn tượng trưng cho hồn núi, hồn sông, hồn đất và hồn nước. Chính vì vậy, quả còn bao giờ cũng làm bằng vải màu đỏ, màu đen, màu xanh và màu trắng. Bên trong quả còn được nhồi thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt bông. Cây còn được làm từ thân cây tre có chiều cao khoảng 20 m - 30 m, tùy theo lựa chọn của người dân. Ngọn cây còn được uốn thành hình vòng cung có dán giấy đỏ, hồng tâm để người dân có thể tung còn vào vòng tròn đó. Vào mỗi dịp lễ hội, Tết, ở địa phương có đông người Tày, Nùng sinh sống thì đều tổ chức trò chơi này với mong ước về một mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm.
Trò chơi đánh đu tại Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa. Ảnh: Quang Hòa
Cà kheo: Là môn thể thao dành cho tập thể, chủ yếu là nam nữ thanh niên. Khi bắt đầu trò chơi, người chơi sẽ đi trên cây cà kheo để thi đấu. Để đi được trên cà kheo đòi hỏi người chơi phải lấy được thế cân bằng, có bước đi chính xác, sức khỏe tốt và phải khéo léo kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay. Trong quá trình thi đấu nếu ai ngã hoặc chậm hơn đối thủ sẽ là người thua cuộc. Đi cà kheo thường có các kiểu thi như thi đi bộ, thi chạy.
Kéo co: Môn kéo co không chỉ thu hút mọi người tham gia trong dịp Tết Nguyên đán mà còn ở những dịp như hội làng hay hoạt động giao lưu. Kéo co là trò chơi đề cao tinh thần tập thể, sự đoàn kết của người chơi. Đây là trò chơi khá đơn giản với đạo cụ là một chiếc dây thừng. Mỗi phần thi kéo co thường sẽ có 3 hiệp thi đấu, đội nào giành chiến thắng trong 2 hiệp đấu sẽ là đội giành chiến thắng. Trò chơi này đòi hỏi số lượng người chơi lớn, chia đều thành 2 đội.
Gửi phản hồi
In bài viết