Đối phó với các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2: Cần hành động nhanh chóng

Chỉ trong một tuần, biến chủng Delta khiến số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu tăng 8% và số ca tử vong tăng 21%. Những con số được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra là minh chứng cho thấy, thế giới đang bước vào một giai đoạn cực kỳ nguy hiểm vì đại dịch.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, làn sóng dịch thứ ba đang tạo ra các biến chủng mới dễ lây lan và thậm chí có khả năng kháng vắc xin. Vì vậy, thế giới cần phải hành động nhanh chóng, trước khi các biến chủng mới xuất hiện.

Các nhà khoa học của Đại học Florida (Mỹ) nghiên cứu vắc xin phòng Covid-19 trong phòng thí nghiệm.

Trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 với biến chủng Delta đã tăng trung bình lên 540.000 ca/ngày và gần 70.000 ca tử vong/tuần trên toàn cầu. Sự gia tăng này xảy ra trong các điều kiện tương tự như tại đỉnh dịch vào năm ngoái - thời điểm xuất hiện 4 biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cao.

"Những biến chủng đáng quan ngại" theo phân loại của WHO, được đặt tên theo các chữ cái Hy Lạp Alpha, Beta, Gamma và Delta, đều xuất hiện vào nửa cuối năm 2020, mặc dù phải mất một thời gian để chúng lây lan rộng hơn. Danh sách "những biến chủng cần quan tâm" tiếp theo, được cho là có khả năng lây lan hoặc kháng vắc xin cao hơn, gồm Eta, Iota, Kappa và Lambda.

Các nhà khoa học cho biết, vi rút SARS-CoV-2 có thể đã phát triển thành nhiều biến chủng nguy hiểm hơn, song cho đến nay chưa được phát hiện do mức độ lây nhiễm trong cộng đồng chưa đủ lớn. Một nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Áo công bố ngày 30-7 cho thấy, ngoài việc lây lan tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp, các chủng kháng vắc xin có nguy cơ xuất hiện cao hơn khi 60% dân số của một cộng đồng được tiêm chủng và các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội được dỡ bỏ.

Theo Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, Delta chính là lời cảnh báo rằng vi rút SARS-CoV-2 vẫn đang thay đổi. Khi vi rút lây lan càng nhiều thì sẽ càng biến đổi. Delta sẽ không phải là biến chủng cuối cùng, và bảng chữ cái có thể không đủ để đặt tên cho các biến chủng mới. Vì vậy, thế giới cần phải hành động nhanh chóng, trước khi các biến chủng nguy hiểm hơn xuất hiện. WHO cũng đã hối thúc các công ty dược phẩm phải có những điều chỉnh phù hợp trong nghiên cứu và bào chế để tăng hiệu quả của vắc xin chống lại các biến chủng mới có tốc độ lây nhiễm nhanh hơn.

Về chất lượng và tính hiệu quả của các loại vắc xin đang lưu hành, các nghiên cứu đều khẳng định, các loại vắc xin phòng Covid-19 đã được cấp phép dù có phần giảm hiệu quả đối với biến chủng Delta, tuy nhiên vẫn giúp ngăn chặn nguy cơ mắc Covid-19, cũng như các trường hợp mắc bệnh nặng và giảm thiểu nguy cơ tử vong.  

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Alexander Chuchalin của Bệnh viện Đa khoa thành phố Mátxcơva của Nga cho rằng, trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều biến chủng mới, cần có ý tưởng về vắc xin thế hệ mới để điều trị Covid-19. Hiện, có nhiều dạng miễn dịch khác nhau ở người. Dạng thứ nhất là con người sinh ra kháng thể chống lại vi rút; dạng thứ hai là bản thân con người tự phát triển và tự có được khả năng miễn dịch; dạng thứ ba là miễn dịch niêm mạc, nghĩa là các niêm mạc sinh ra chất nhầy có thể chống vi rút. Giáo sư Chuchalin khẳng định, hiện một số nhà khoa học trên thế giới đang đi theo phương thức miễn dịch thứ ba để điều chế ra các loại vắc xin thế hệ mới.

Năm 2021 là năm thứ hai đại dịch Covid-19 “hoành hành” và biến chủng Delta đang gây ra thảm họa ở nhiều nơi trên thế giới. Vì thế, cuộc chiến với đại dịch Covid-19 không chỉ ở các bệnh viện, các trung tâm y tế, mà còn cam go cả ở trong các phòng thí nghiệm, nơi thử nghiệm, bào chế các loại vắc xin thế hệ mới.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục