Làng văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô Chải (xã Lũng Cú) thu hút đông khách du lịch nhờ biết bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. (Ảnh MỸ HÀ)
Nhắc đến địa danh Lũng Cú, tất cả sẽ nghĩ ngay đến Di tích lịch sử quốc gia Cột cờ Lũng Cú - biểu tượng thiêng về chủ quyền Tổ quốc, cũng là biểu tượng của tỉnh vùng cao biên giới Hà Giang. Ðến Hà Giang mà chưa đặt chân đến "mỏm Lũng Cú tột Bắc" của đất nước, chưa chiêm ngưỡng lá Quốc kỳ diện tích 54 m2 (6x9 m), tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên mảnh đất hình chữ S, kiêu hãnh tung bay giữa lồng lộng mây trời biên cương thì coi như chưa đến Hà Giang...
Bộ mặt nông thôn mới ở rẻo cao
Dự định ban đầu của chúng tôi là thực hiện một tour qua Di tích lịch sử quốc gia Cột cờ Lũng Cú, điểm cực bắc và Làng văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô Chải, nhưng rồi điểm dừng đầu tiên lại là trụ sở Ủy ban nhân dân xã Lũng Cú. Sự xuất hiện đột ngột này có lẽ cũng làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lũng Cú, Ma Doãn Khánh bất ngờ, song ông vẫn dành cho chúng tôi sự đón tiếp chu đáo bằng những chia sẻ về nhiều vấn đề trong công tác xây dựng Ðảng, củng cố hệ thống chính trị; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng-an ninh; phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và phát triển văn hóa-xã hội của chính quyền địa phương.
Những khó khăn lớn nhất của Lũng Cú, đã được ông Ma Doãn Khánh chia sẻ: Ðây là xã vùng cao biên giới, xuất phát điểm thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; việc ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất còn hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới còn cao; trình độ nhận thức của người dân có mặt còn hạn chế, tư tưởng trông chờ ỷ lại còn cao, hủ tục chưa được khắc phục triệt để.
Trong khi đó, dịch Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân, an ninh biên giới và nội địa; các thế lực xấu vẫn âm thầm thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ xã Lũng Cú lần thứ 21, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường trực Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện, sự giúp đỡ của các cơ quan đỡ đầu, phụ trách xã và các ngành chức năng của huyện; đặc biệt là sự đoàn kết nhất trí cao của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong toàn xã đã giúp Lũng Cú phát huy nội lực, chủ động khắc phục khó khăn và thực hiện tốt các mục tiêu Ðại hội Ðảng bộ xã khóa 21 đề ra, từng bước đạt được những tiến bộ trong xây dựng nông thôn mới vùng miền núi.
Yếu tố thuận lợi, cũng là lợi thế của Lũng Cú chính là du lịch. Di tích lịch sử quốc gia Cột cờ Lũng Cú từ hơn 10 năm qua đã trở thành điểm tham quan nổi tiếng của Hà Giang; Làng văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô Chải được công nhận là sản phẩm OCOP ba sao, cũng như việc Lũng Cú đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 3/2021 là điều kiện thuận lợi để các định hướng phát triển ở xã biên giới này được triển khai từng bước vững chắc, giúp thay đổi diện mạo và nâng cao dần thu nhập cho người dân.
Sau khi Cột cờ Lũng Cú được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia (tháng 11/2009), xã đã xây dựng lộ trình phát triển du lịch dài hơi, xuyên suốt từ năm 2010. Hằng năm, xã đều cố gắng chuyển dịch mô hình kinh tế từ chăn nuôi, trồng trọt sang dịch vụ du lịch.
Chẳng hạn như thực hiện Nghị quyết chuyên đề số 19 của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Ðồng Văn về phát triển vùng trồng cây ăn quả, hoa, rau chuyên canh phục vụ du lịch giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, Ðảng ủy xã đã quy hoạch vùng trồng rau chuyên canh, vùng trồng hoa tam giác mạch, hoa cảnh quan trên địa bàn. Tại Làng văn hóa du lịch cộng đồng Lô Lô Chải, một số hộ nuôi gà, một số hộ trồng sâm khoai, ớt gió, một số hộ làm homestay đón du khách..., Thành quả kinh doanh du lịch và cung cấp sản vật cho du khách thời gian qua đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Ban Chấp hành Ðảng bộ xã về phát triển du lịch, dịch vụ thương mại gắn với sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Dần đẩy lùi hủ tục
Kinh tế nông thôn dần phát triển, du lịch dịch vụ được thúc đẩy, đời sống người dân Lũng Cú được cải thiện; hoạt động văn hóa tinh thần, nếp sống văn minh ngày càng được quan tâm đã mang lại những đổi thay đáng kể ở nơi đây. Nhưng những điều này chỉ có thể có được khi tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, nhất là khi Lũng Cú có 16 km đường biên giới, giáp hai huyện Phú Ninh và Malypho của tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Nhận thức được điều đó, xã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, nhắc nhở người dân không vượt biên trái phép, phá rừng, xâm canh; đồng thời tổ chức ba lực lượng công an, biên phòng, quân sự phối hợp tuần tra, bảo vệ các cột mốc biên giới; thực hiện tốt công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, duy trì tốt các hoạt động của lực lượng dân quân, tổ chức giao ban định kỳ với các thôn đội trưởng; triển khai cho các thôn thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình an ninh chính trị, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra...
Nhìn chung, công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại Lũng Cú luôn được củng cố, huy động đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi Lũng Cú đã làm khá tốt việc xây dựng nếp sống văn minh ở các thôn bản, dù trình độ nhận thức của người dân có mặt còn hạn chế.
Thực tế sau hai năm triển khai tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 09 và một năm thực hiện Nghị quyết số 27 của Tỉnh ủy Hà Giang về xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn (Lũng Cú được chọn làm xã điểm của tỉnh), xã đã đạt được các kết quả ấn tượng ở ba nội dung chính: xóa bỏ hủ tục trong việc tang; tảo hôn; giảm tình trạng sinh con thứ ba trở lên tại cả chín thôn bản.
Ở Lũng Cú, việc tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân có vai trò rất quan trọng. Ðến nhà mỗi hộ dân trong thôn Lô Lô Chải, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những nội dung tuyên truyền được dán trên tường nhà. Những nội dung tuyên truyền về xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn (theo Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27 của Tỉnh ủy Hà Giang; Nghị quyết số 30 của Ðảng ủy xã; Nghị quyết số 49 về giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên) được biên soạn cô đọng, dễ hiểu với hình ảnh minh họa ấn tượng, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Theo ông Ma Doãn Khánh, về xóa bỏ hủ tục trong việc tang, xã đã thành lập ban chỉ đạo của xã, ban lễ tang của mỗi thôn bản để tuyên truyền, giải thích cho người dân; mời người có uy tín, bí thư chi bộ, trưởng thôn họp, ký cam kết về tuyên truyền cho dòng họ không tổ chức đám tang dài ngày, không giết mổ nhiều gia súc. Hình thức tuyên truyền là qua các hội nghị, các buổi sinh hoạt chi hội; tuyên truyền lưu động tại các thôn, các buổi họp chợ; tuyên truyền qua loa phát thanh của thôn bằng hai thứ tiếng (tiếng H’Mông và tiếng Việt)...
Bên cạnh đó, xã phân công cán bộ phụ trách các thôn, xuống sinh hoạt định kỳ cùng thôn bản; những gì vướng mắc đều được xử lý ngay tại cơ sở. Nhờ vậy, các gia đình dần hiểu rõ việc xóa bỏ hủ tục chính là giúp họ tiết kiệm tiền bạc, thời gian và hạn chế việc gây ảnh hưởng đến môi trường.
Lũng Cú cũng thành công trong việc tuyên truyền cho người dân dần bỏ được tục tổ chức đám cưới ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày như trước, thay vào đó là tổ chức ăn theo bữa. Tình trạng tảo hôn cũng giảm hẳn, tình trạng hôn nhân cận huyết không còn.
...Lên Hà Giang dịp này, chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc vùng rẻo cao gian khó nơi địa đầu phía bắc Tổ quốc, mà còn được chứng kiến những đổi thay, chuyển mình đi lên từng bước vững chắc của mảnh đất, con người đang hằng ngày gìn giữ vùng phên giậu của đất nước. Vui hơn là một nếp sống văn minh, hiện đại đang dần hình thành ở khắp các thôn, bản của Lũng Cú; khi chính từng người dân thấy rõ việc phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới phải đi kèm với việc xóa bỏ các hủ tục và bảo tồn, phát huy giá trị di sản Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Ðồng Văn thông qua các hoạt động văn hóa và du lịch.
Gửi phản hồi
In bài viết