Nơi giành chính quyền sớm nhất
Xã Minh Thanh nằm giữa thung lũng được bao bọc bởi hai dãy núi, núi Nến trải dài từ thôn Niếng đến giáp xã Công Đa (Yên Sơn), núi Rão kéo dài từ thôn Cò đến giáp xã Tiến Bộ (Yên Sơn). Toàn xã có tới 3/4 diện tích đất rừng. Nơi đây, có nhiều suối nước lớn, nhỏ chảy đều quanh năm, đặc biệt là suối Lê và sông Phó Đáy. Xã Minh Thanh hiện có 1.498 hộ, gồm 7 dân tộc cùng chung sống ở 14 thôn, bản.
Địa bàn xã Minh Thanh sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm trước Cách mạng Tháng Tám - 1945. Vốn có truyền thống yêu nước, từ những ngày đầu khi ánh sáng cách mạng rọi tới, nhân dân các dân tộc xã Minh Thanh đã nhanh chóng hưởng ứng tham gia vào cuộc đấu tranh chung của dân tộc, một lòng tin tưởng đi theo Đảng, theo cách mạng đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ cách mạng, chỉ trong một thời gian ngắn xây dựng lực lượng và chuẩn bị khởi nghĩa, tháng 3-1945, nhân dân xã Minh Thanh đã vùng dậy làm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã đầu tiên trong tỉnh, là nơi thành lập chính quyền cấp châu đầu tiên trong cả nước (16-3-1945 Châu Tự Do được thành lập).
Đình Thanh La, xã Minh Thanh, nơi diễn ra cuộc mít tinh tuyên thệ của quân khởi nghĩa và cuộc mít tinh
tuyên bố thành lập châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời châu ngày 16-3-1945.
Đối với tiến trình cách mạng Tháng Tám, khởi nghĩa Thanh La thành công là thắng lợi sớm nhất, trọn vẹn nhất, mở đầu cho thời kỳ khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 theo đúng đường lối cách mạng của Đảng ta. Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc xã Minh Thanh đóng góp sức người, sức của để bảo vệ an toàn khu ATK và đùm bọc, giúp đỡ các cơ quan, đơn vị, cán bộ của Việt Minh ở và làm việc trên địa bàn. Hiện trên địa bàn xã có 36 di tích lịch sử, trong đó 9 di tích thời kỳ tiền khởi nghĩa, 27 di tích thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Nông thôn mới hôm nay
Viết tiếp những trang sử hào hùng của địa phương, trong suốt những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Minh Thanh đã phát huy truyền thống, không ngừng phát triển xây dựng quê hương ngày một khởi sắc. Đặc biệt là từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thì đời sống của bà con nhân dân trong xã đã có nhiều đổi thay. Nhiều công trình phục vụ dân sinh được xây dựng, trường học, Trạm Y tế xã đều đạt chuẩn; 100% thôn có nhà văn hóa khang trang, rộng rãi. Từ một xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Sơn Dương, đến nay, xã Minh Thanh đã hoàn thành 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Toàn xã có hơn 63 km đường được bê tông hóa, hệ thống thủy lợi đáp ứng sản xuất...
Thành tựu quan trọng nhất đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Minh Thanh thời gian qua chính là công tác giảm nghèo. Sau 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, từ một xã có tới gần 47% hộ nghèo đến hết năm 2020 xã còn 6,21% hộ nghèo, bình quân trong 5 năm giảm 8,1%/năm. Mục tiêu năm 2021 xã sẽ phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3,4%. Thành tích này, Minh Thanh là một trong những địa phương tiêu biểu trong cả nước về thực hiện Chương trình giảm nghèo và đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020.
Mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap của Tổ hợp tác chè sạch VietGap thôn Cảy.
Đồng chí Ma Văn Tụ, Chủ tịch UBND xã Minh Thanh cho biết, trong thực hiện chương trình giảm nghèo, xã đã tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ dân, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền để mỗi hộ tự ý thức vươn lên. Song song với đó, xã đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng sản xuất cho nhân dân, đồng thời triển khai nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất dựa trên thế mạnh của địa phương như: mở rộng diện tích trồng bưởi, cây chè, chăn nuôi gia súc. Kết quả trong công tác giảm nghèo không chỉ là ở những con số mà ở ý thức vươn lên, kỹ năng, trình độ sản xuất của người dân ở một tầng nấc mới cao hơn nhiều so với trước đây.
Chúng tôi tới thăm mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap của Tổ hợp tác chè sạch VietGap thôn Cảy với sản phẩm chè sạch mang thương hiệu Thanh Trà. Ông Phạm Văn Minh, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết, cây chè là loại cây thế mạnh của xã Minh Thanh. Để cây chè đem lại thu nhập cao phải thay đổi cách thức sản xuất từ việc thay đổi giống mới, phương thức chăm bón tưới tiêu, đồng thời xây dựng thương hiệu. Thực tế thời gian qua, gia đình ông Minh và các hộ trong tổ hợp tác đã từng bước thay đổi giống chè trung du bằng giống chè lai F1, chè Phúc Vân Tiên..., áp dụng hình thức tưới tự động, bón chè bằng phân hữu cơ. Cầu kỳ đến mức ông Minh mua cả cá về ủ để làm phân bón chè. Hiệu quả thấy rõ sau 18 tháng, vườn chè mới với diện tích 8.000 m2 của gia đình ông Minh đã cho thu về hàng chục triệu đồng/lứa, hứa hẹn tương lai cho hiệu quả cao.
Đảng bộ xã Minh Thanh đã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ (gạo sạch) tại 5 thôn. Sản phẩm gạo của Minh Thanh được đăng ký thương hiệu La Khai đã được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Gạo La Khai được tiêu thụ nhanh sau mỗi vụ gặt, đem lại hiệu quả kinh tế cao gần gấp 2 lần gạo thường.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Hứa, Bí thư Đảng ủy xã Minh Thanh khẳng định, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, Đảng bộ xã Minh Thanh không ngừng lớn mạnh, từ năm 1947 chỉ với 5 đảng viên đến nay Đảng bộ xã có 270 đảng viên. Có được thành tựu hôm nay chính là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc xã Minh Thanh đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức. Người dân nơi đây luôn tự hào về truyền thống mà lớp lớp cha anh đã gây dựng, coi đó là sức mạnh tinh thần để cùng nhau vượt mọi khó khăn, vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Gửi phản hồi
In bài viết