Đồng chí Phùng Ngọc Vinh, Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 1.585 hộ, 6.380 nhân khẩu, có 7 đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số có 791 hộ chiếm 50% dân số toàn xã. Trước khi sáp nhập, cơ sở vật chất và đời sống của người dân trong xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người đạt thấp, cơ sở hạ tầng nhiều khó khăn. Mùa xuân này vui hơn khi xã sáp nhập được hưởng thụ các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số. Nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới như: xây dựng Trạm Y tế xã Tân Thanh, kinh phí trên 3,5 tỷ đồng vốn Chương trình hỗ trợ chính sách ngành Y tế do EU viện trợ; xây Nhà văn hóa xã Tân Thanh kinh phí 2,2 tỷ đồng vốn ngân sách huyện và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác; đầu tư xây nhà lớp học điểm trường Nga Phụ kinh phí 520 triệu đồng vốn ngân sách tỉnh và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác...
Những con đường bê tông dẫn về những thôn sáp nhập của xã Tân Thanh (Sơn Dương).
Từ sau khi sáp nhập địa giới hành chính, nhờ có sự đầu tư, hỗ trợ của huyện, xã đã tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa. Xã cũng được hỗ trợ 37 con trâu và 3 con bò cho 4 hộ nghèo qua Dự án phát triển sản xuất thuộc dự án 2; Chương trình 135, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020 với số vốn trên 811 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 346 triệu đồng, nhân dân đóng góp 465 triệu đồng... Hiện nay trên địa bàn xã đang triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như trồng chanh Nhật, măng tây, chăn nuôi gà thả đồi, lợn mán, lợn rừng, dê. Từ các mô hình cho thấy nhân dân đã nắm bắt được khoa học kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi đồng thời nhạy bén với thị trường để đầu tư có hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập. Nhờ vậy số hộ nghèo đầu năm 2020 toàn xã là 177 hộ chiếm 11,2%; đến cuối năm số hộ nghèo còn 141 hộ chiếm 8,9%.
Những ngày giáp Tết Tân Sửu, chúng tôi có dịp về Lục Liêu sau hơn 1 năm thôn sáp nhập. Thôn đã thực sự thay đổi, những con đường bê tông phẳng phiu xen lẫn hàng hoa được trồng 2 ven đường tỏa đến các ngõ xóm với những ngôi nhà san sát. Đồng chí Dương Việt Hùng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Lục Liêu phấn khởi nói, thôn có 177 hộ, 756 nhân khẩu, đến 80% là đồng bào dân tộc Dao. Mùa xuân này là mùa xuân đầu tiên với tên gọi Lục Liêu nên bà con trong thôn tích cực thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống. Đầu năm, thôn còn có tới 34 hộ nghèo, đến cuối năm chỉ còn 28 hộ nghèo; có trên 40 hộ khá, giàu, thu nhập bình quân đạt 24 triệu đồng/người/năm. Trong thôn nhiều hộ có thu nhập cao như gia đình anh Phùng Văn Quảng làm dịch vụ buôn bán hàng hóa, chạy xe tải mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng; ông Hà Văn Dũng với mô hình chăn nuôi trang trại theo mô hình VAC, cho thu nhập trên 250 triệu đồng/năm... 100% hộ dân đã cải tạo xong chuồng trại chăn nuôi, nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới; 100% trẻ em trong độ tuổi được huy động đi nhà trẻ. Qua bình xét thôn có trên 90% gia đình đạt Gia đình Văn hóa.
Song song với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của bà con vùng dân tộc thiểu số của Tân Thanh ngày càng được nâng lên. 17 thôn đều có đội văn nghệ, đội bóng chuyền hơi. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức sôi nổi tại địa phương nhân các dịp lễ, Tết. Hằng năm vào dịp đầu năm mới đồng bào các dân tộc thiểu số của xã đều tổ chức lễ hội du xuân với các nghi lễ, trang phục, trò chơi dân gian truyền thống đã khơi dậy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương.
Anh Hoàng Đình Tứ, dân tộc Cao Lan, thôn Bẫu chia sẻ, từ khi được sáp nhập thôn, người dân chúng tôi rất phấn khởi, vì được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng, xây dựng nhà văn hóa cho người dân sinh hoạt, xây dựng trường học khang trang cho con em đến trường, kinh tế phát triển, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao tiếp tục được bảo tồn phát huy, việc cưới, việc tang đã được thực hiện theo nếp sống mới, bà con rất phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Chia tay người dân xã Tân Thanh (Sơn Dương) khi một mùa xuân mới đang cận kề, chúng tôi nhận thấy cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang hiện hữu nơi đây. Một màu xanh ngút ngàn của lúa, đồi rừng chạy dài như tín hiệu tốt lành về sự đổi thay trong cuộc sống của đồng bào nơi đây.
Gửi phản hồi
In bài viết