Tháo gỡ kịp thời vướng mắc
Từ năm 2022 đến nay, nhiều cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã đã diễn ra. Trong đầu năm nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh do đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự và chỉ đạo đã đối thoại với công nhân lao động trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã đối thoại với thanh niên với chủ đề “Thanh niên tỉnh Tuyên Quang với khởi nghiệp, lập nghiệp”; trực tiếp đối thoại với nông dân với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” và đối thoại với thanh niên với chủ đề “Thanh niên Tuyên Quang với chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn tại Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2022. Ảnh: Việt Hòa
Tại những hội nghị đối thoại này, đại diện công nhân, người lao động, nông dân, thanh niên trong toàn tỉnh đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh trực tiếp lắng nghe, giải đáp những thắc mắc liên quan đến chế độ, chính sách, quyền lợi thiết thực mà nông dân, thanh niên, công nhân, người lao động kiến nghị.
Đồng chí Dương Minh Nguyệt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, sau các cuộc đối thoại với thanh niên, thực hiện Kết luận của UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn về chuyển đổi số tại 7/7 huyện, thành phố; ký kết thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi số với Viettel Tuyên Quang, Viễn thông Tuyên Quang hỗ trợ đoàn viên, thanh niên sử dụng app Chính quyền số, sử dụng các công cụ trên cổng Hành chính công; thanh toán điện tử; Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trung tâm xúc tiến đầu tư, Trung tâm dạy nghề, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, các trường đại học trong và ngoài tỉnh tổ chức 7 phiên giao dịch việc làm; phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tổ chức chương trình cà phê khởi nghiệp, mời các diễn giả, doanh nhân trẻ khởi nghiệp thành công chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh.
Một trong những thành công nhất của các hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến xã đó là nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến lợi ích trực tiếp của Nhân dân đã được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, thấu tình, đạt lý. Điển hình là giải quyết kiến nghị của nông dân sau Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và nông dân năm 2022, tỉnh đã cấp bổ sung kinh phí cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để hỗ trợ vay vốn đối với nông dân. Năm 2022, tỉnh đã bổ sung vốn đầu tư cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh số tiền 2 tỷ đồng.
Từ số tiền này, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ cho vay 4 dự án phát triển kinh tế. Năm 2023, tỉnh đã cấp bổ sung vốn đầu tư hỗ trợ vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh số tiền 3 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh cũng đã triển khai kịp thời nguồn vốn này đối với 6 dự án phát triển kinh tế. Anh Trăng Văn Sự, người dân thôn Trò, xã Phù Lưu (Hàm Yên) là 1 trong 10 hộ nông dân đầu năm nay được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để đầu tư chăm sóc phát triển vườn chanh tứ mùa rộng 3 sào.
Anh Sự phấn khởi chia sẻ: “Từ cuộc đối thoại của Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân, những mong muốn, nguyện vọng của chúng tôi được chuyển tải trực tiếp và được giải quyết ngay sau đó. Giờ đây, gia đình tôi không phải vay mượn vật tư, phân bón để chăm sóc chanh nữa vì đã được hỗ trợ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh”.
Người dân thôn Trại Xoan, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) ký cam kết giải phóng mặt bằng sau đối thoại.
Không chỉ ở cấp tỉnh, ở cấp huyện, cấp xã, hiệu quả từ các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đã được khẳng định rõ nét. Những vấn đề bức xúc như đất đai, giải phóng mặt bằng, di dân ra khỏi vùng sạt lở... được giải quyết nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật và nhận được sự đồng thuận cao từ Nhân dân.
Năm 2022, nhiều hộ dân ở thôn Trại Xoan, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) không đồng thuận với chủ trương, phương án đền bù giải phóng mặt bằng khi huyện triển khai công trình xây dựng, mở rộng nghĩa trang cát táng xã Nhữ Hán. Người dân đề nghị điều chỉnh giá hỗ trợ đất trồng cây lâu năm theo vị trí và khu vực đất. Nhưng sau các cuộc đối thoại, gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp của đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện và Ban Thường vụ Đảng ủy xã, đến nay, 100% người dân đã đồng thuận nhận tiền đền bù, công trình đang thi công, đảm bảo tiến độ đề ra.
Đồng chí Trần Văn Dự, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nhữ Hán cho biết, sau các cuộc đối thoại với người dân, lãnh đạo huyện quyết định rà soát, kiểm tra lại vị trí đất của các hộ có đất phải giải phóng mặt bằng để đối chiếu, so sánh và quyết định điều chỉnh giá hỗ trợ đất trồng cây lâu năm cho các hộ. Điều này đã khẳng định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện rất lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân nếu xét thấy đúng quy định của Nhà nước. Do đó, hộ dân có nhiều đất phải đền bù nhất và là người khó vận động nhất cuối cùng cũng đồng thuận.
Lắng nghe, tôn trọng Nhân dân
Sát cơ sở, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của Nhân dân là yếu tố quan trọng, bài học kinh nghiệm sâu sắc tạo nên thành công trong mỗi cuộc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thời gian qua. Trên tinh thần lắng nghe và tôn trọng ý kiến của dân, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã lựa chọn những vấn đề đang bức xúc, đang cần được giải quyết ngay trong nhân dân để đối thoại và đưa ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, giảm dần bức xúc của nhân dân.
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Phương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, từ năm 2022 đến nay, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND huyện đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với nhân dân, trong đó có 3 cuộc đối thoại về xử lý vướng mắc liên quan đến khu xử lý rác thải xã Nhữ Khê, đối thoại về giải quyết vướng mắc về quy hoạch xây dựng Đền thờ Liệt sỹ huyện Yên Sơn và đối thoại về giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng xây dựng, mở rộng nghĩa trang cát táng xã Nhữ Hán.
Lãnh đạo huyện Yên Sơn đối thoại với người dân xã Chiêu Yên về công tác giải phóng mặt bằng.
Đến nay, sau 3 hội nghị đối thoại, những ý kiến của các hộ dân đã được giải quyết dứt điểm, nhân dân đồng thuận cao, tháo gỡ được vướng mắc trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, Hội đồng Bồi thường hỗ trợ tái định cư huyện đã tổ chức 8 hội nghị đối thoại với người dân về các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng để kịp thời xử lý các kiến nghị theo quy định của pháp luật đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án. Việc lựa chọn những vấn đề “nóng” để đối thoại dựa trên tinh thần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ngay từ cơ sở.
Trong quá trình đối thoại, người đứng đầu UBND huyện luôn lắng nghe và tôn trọng kiến nghị của Nhân dân. Đối với những ý kiến đúng cần tiếp thu giải quyết ngay theo quy định, những vấn đề còn chưa rõ cần giao các cơ quan nhanh chóng làm rõ để tham mưu giải quyết theo quy định, công khai kết quả giải quyết để nhân dân biết. Đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, tổng hợp đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét theo quy định.
Những năm gần đây, ngoài tổ chức đối thoại với thanh niên, đồng chí Tô Viết Hiệp, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Na Hang còn tổ chức đối thoại với nhân dân về các chính sách di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sạt lở. Đồng chí Tô Viết Hiệp cho rằng, trong quá trình đối thoại, người đứng đầu cần trực tiếp lắng nghe và đối thoại bởi người dân luôn có tâm lý và mong muốn được gặp người đứng đầu, có thẩm quyền giải quyết nhanh nhất và xác đáng. Tùy từng đối tượng và vấn đề để người đứng đầu có phương pháp đối thoại phù hợp, đạt hiệu quả cao. Nhưng trước hết người đứng đầu phải biết lắng nghe, chịu được áp lực trước dư luận, kiểm soát được cảm xúc của các bên đối thoại.
Từ kết quả trên cho thấy, toàn tỉnh đã và đang triển khai nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 11-Qđi/TW ngày 18 tháng 2 năm 2019 của BCH Trung ương Đảng về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Hiệu quả của công tác đối thoại thời gian qua ở các cấp trong tỉnh đã tạo được sự đồng thuận cao của nhân dân trong giải quyết những vướng mắc, vấn đề phát sinh ở cơ sở, đồng thời tăng trách nhiệm, nêu cao tinh thần vì Nhân dân của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu.
Thủy Châu
Đồng chí Đào Thị Mai
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Cầu nối giúp nông dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng
Hội nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối thoại với nông dân là diễn đàn quan trọng không chỉ đối với tổ chức Hội Nông dân các cấp mà còn là sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Việc tổ chức Hội nghị đối thoại là cơ hội để nông dân được trực tiếp phản ánh với lãnh đạo tỉnh tâm tư, nguyện vọng, những thành tựu đạt được và khó khăn trong công tác Hội. Từ đó giúp cho tỉnh xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn sát với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Đồng thời xem xét chỉ đạo cơ quan liên quan có giải pháp cụ thể hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Những vấn đề người dân quan tâm được giải quyết kịp thời đã củng cố niềm tin vững chắc của nông dân với chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đề ra.
Đồng chí Giang Tuấn Anh
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương
Đối thoại đúng theo tinh thần, chỉ đạo và các hướng dẫn của Trung ương, tỉnh
Với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, “hướng về cơ sở, lắng nghe, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, thời gian qua, huyện Sơn Dương đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Mục tiêu là làm tốt công tác nắm tâm tư, nguyện vọng, dự báo tình hình, từ đó lựa chọn đúng, trúng vấn đề đối thoại theo nhu cầu chính đáng của nhân dân, tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm; tại các địa bàn phức tạp, nhất là những vấn đề mới, khó. Qua nhiều năm triển khai thực hiện, hoạt động tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn Sơn Dương đã đi vào nền nếp, thiết thực và hiệu quả.
Đồng chí Vũ Văn Thịnh
Chủ tịch UBND xã Yên Lâm (Hàm Yên)
Giải quyết bức xúc của nhân dân
Năm 2022, trên địa bàn xã có 14 hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà mới theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có những vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn. Người dân làm xong nhà nhưng chậm nhận được tiền hỗ trợ nên bức xúc, lo lắng.
Trước tình hình đó, các đồng chí lãnh đạo UBND xã đã trực tiếp gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng bà con và giải thích rõ nguyên nhân, giải pháp đang được triển khai thực hiện. Lãnh đạo UBND xã, cán bộ chuyên môn cũng đã hướng dẫn cụ thể để nhân dân nắm rõ những quy định, quy trình thủ tục cần thiết… giải quyết được vấn đề bức xúc của nhân dân.
Đến nay, 14 hộ được hỗ trợ làm nhà đều đã nhận được tiền hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ (nguồn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Vấn đề bức xúc của nhân dân được giải quyết giúp xã triển khai hiệu quả Chương trình theo đúng tiến độ đề ra.
Ông Bàn Tiến Trình
Thôn Bản Lục, xã Đà Vị (Na Hang)
Chìa khóa tạo sự đồng thuận
Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan chức năng đã lắng nghe, tiếp thu, trả lời từng vấn đề, trong đó có nhiều nội dung được tiếp thu, trả lời ngay tại hội nghị đối thoại với người dân, được nhân dân đồng thuận, nhất trí cao. Việc tiếp xúc đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan chức năng đối với người dân chúng tôi rất tốt, những ý kiến, kiến nghị của người dân khi đưa ra đã được trả lời thấu đáo, giúp người dân ngày càng tin tưởng vào đường lối chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Qua đối thoại, những người đứng đầu sẽ có điều kiện nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành. Từ đó, đề ra những chủ trương, chính sách và giải pháp sát với thực tế, phù hợp với người dân hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết