Huấn luyện viên Troussier bị sa thải chỉ sau một năm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. (Ảnh: VFF)
Tiếng gọi từ quá khứ
Kỷ lục 20 năm bất bại trước đội tuyển Indonesia trên sân nhà rút cục đã bị phá vỡ với trận thua bạc nhược tối 26/3. Không lâu sau đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chính thức xác nhận thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với huấn luyện viên Philippe Troussier. Trong tổng cộng 14 lần dẫn dắt đội tuyển Việt Nam (bao gồm các trận giao hữu), “Phù thủy trắng” giành bốn chiến thắng nhưng phải nhận tới 10 trận thua bẽ bàng.
Đáng chú ý, kết cục của vị chiến lược gia người Pháp phần nào tương tự người đồng nghiệp Edson Tavares thời điểm 20 năm về trước. Ở trận quyết định tại vòng bảng Tiger Cup 2004 (nay là ASEAN Championship), Đội tuyển Việt Nam thi đấu kém thuyết phục và phải nhận thất bại cay đắng 0-3 trước Indonesia ngay trên sân Mỹ Đình.
Trận thua khiến đội tuyển Việt Nam có lần đầu tiên không thể vượt qua vòng bảng ở giải đấu hàng đầu khu vực. Thất bại cũng trở thành "giọt nước tràn ly" trong mối quan hệ giữa ông Tavares và đội tuyển. Chỉ hơn hai tiếng sau khi trận đấu kết thúc, nhà cầm quân sinh năm 1956 lập tức bị sa thải.
Vấn đề của vị thuyền trường người Brazil cũng đến từ khâu tuyển chọn cầu thủ và quá trình chuyển giao lực lượng. Khi ấy, Việt Nam sở hữu những cựu binh như Huỳnh Đức, Minh Quang, lực lượng trẻ tài năng (gồm Công Vinh, Tài Em, Thanh Bình) và những ngôi sao đang ở độ chín như Thạch Bảo Khanh, Minh Phương hay Trường Giang...
Ông Tavares bị sa thải vì vấn đề lựa chọn nhân sự và tính khí nóng nảy của mình. (Ảnh: Bạch Dương)
Dẫu vậy, tính cách nóng nảy, mâu thuẫn và bất đồng kéo dài với VFF, cộng thêm cú shock bị loại từ vòng bảng Tiger Cup 2004 khiến huấn luyện viên Tavares phải rời ghế sau chín tháng chỉ đạo. Trong đó, ông giành ba chiến thắng, hai trận hòa và để thua tới năm lần.
Những hành trình dang dở
Nếu như hai trận thua 0-3 trước đối thủ duyên nợ Xứ Vạn đảo là giọt nước tràn ly khiến huấn luyện viên Troussier và Tavares phải rời khỏi băng ghế chỉ đạo, thất bại ở kỳ SEA Games 26 - với Indonesia là chủ nhà - cũng là nguyên nhân khiến chiến lược gia người Đức Falko Goetz phải nói lời chia tay với các học trò.
Nhậm chức huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam từ tháng 6/2011, ông Goetz ngay lập tức có khởi đầu đầy thuận lợi. Chúng ta "đè bẹp" đối thủ Ma Cao (Trung Quốc) hai trận với cùng tỷ số 13-1 tại vòng loại World Cup.
Sau đó, dù để thua 0-3 trước Qatar ở lượt đi, ông Goetz đã sửa sai trong trận lượt về trên sân nhà Mỹ Đình. Các cầu thủ đã trình diễn lối chơi chặt chẽ, khoa học cùng tinh thần không bỏ cuộc. Với thắng lợi 2-1, “Những chiến binh sao vàng” gây ấn tượng mạnh khi quật ngã đối thủ hàng đầu châu lục.
Huấn luyện viên Falko Goetz ngậm ngùi chia tay đội tuyển Việt Nam vì ảnh hưởng phía sau hậu trường. (Ảnh: TT&VH)
Huấn luyện viên Goetz tiếp tục thể hiện tốt khi dẫn dắt U23 Việt Nam giành ngôi Á quân VFF Cup 2011 và hạng 3 Cúp bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh. Dưới bàn tay nhào nặn của vị thuyền trưởng người Đức, một loạt nhân tố mới được bổ sung vào đội hình.
Có thể kể đến những cái tên như Văn Quyết, Hoàng Thịnh, Văn Thắng, Anh Quang hay Bửu Ngọc... Ông còn ấp ủ tham vọng trui rèn những gương mặt tài năng này thành nòng cốt đội tuyển, nhằm phục vụ chiến dịch AFF Cup và vòng loại Olympic London 2012.
Tuy nhiên, những tháng ngày tươi đẹp dần tan biến khi chúng ta bước vào kỳ SEA Games 26 trên đất Indonesia. Lứa U23, dù vượt qua vòng bảng, đã bị đối thủ duyên nợ Indonesia đánh bại với tỷ số 2-0 ở trận bán kết.
Sau đó, thất bại 1-4 trước Myanmar trong trận tranh hạng 3 khiến huấn luyện viên Goetz trở thành mục tiêu bị dư luận công kích dữ dội. Vị thuyền trưởng người Đức đã đứng ra nhận trách nhiệm để rồi phải nói lời chia tay bóng đá Việt Nam sau bảy tháng cầm quyền.
Cú shock từ những sai lầm
Sau gần 10 năm tin dùng thầy ngoại, VFF quyết định giao trọng trách dẫn dắt đội tuyển cho huấn luyện viên Phan Thanh Hùng vào ngày 24/8/2012. Vị chiến lược gia quê Đà Nẵng có nhiệm vụ đưa bóng đá nước nhà lọt vào chung kết AFF Cup 2012, vượt qua vòng loại châu Á 2013 và hướng tới trận chung kết SEA Games 27.
Từ thời điểm nhậm chức, ông Hùng có 10 trận giao hữu để thử nghiệm đội hình. Sau loạt trận này, đội tuyển Việt Nam giành năm chiến thắng, ba trận hòa và chỉ để thua hai trận.
Vấn đề được giới chuyên môn chỉ ra là tình hình kỷ luật của đội tuyển không được duy trì nghiêm ngặt như các triều đại trước đó. Ông Hùng thường xuyên bị lấn át bởi những cái tôi quá lớn trong đội.
Ông Phan Thanh Hùng từng dẫn dắt tuyển Việt Nam trong giai đoạn 2012. (Ảnh: Goal.com)
Không những vậy, ông Hùng vẫn đang nắm quyền tại Hà Nội T&T, đồng thời phải bảo đảm công tác chuẩn bị cho mùa giải V-League 2013. Do không đạt yêu cầu trên băng ghế huấn luyện, nhà cầm quân này đã tuyên bố từ chức chỉ sau ba tháng nắm quyền. Phía VFF cũng thừa nhận sai lầm khi chấp nhận tình trạng huấn luyện viên kiêm nhiệm dẫn dắt cả đội tuyển quốc gia lẫn câu lạc bộ.
Tương lai nào cho đội tuyển Việt Nam sau thời Troussier
Có thể thấy, dàn nhân sự trong tay ông Troussier có nhiều điểm tương đồng với đội hình của người tiền nhiệm Tavares cách đây 20 năm. Việc không thể kết hợp hài hòa cựu binh như Huỳnh Đức với các tài năng trẻ (như Công Vinh, Tài Em, Thanh Bình) hay các ngôi sao đang ở độ chín (Thạch Bảo Khanh, Minh Phương) là nguyên nhân khiến đội tuyển Việt Nam bị loại từ vòng bảng Tiger Cup 2004.
Nhưng đến khi Huấn luyện viên Alfred Riedl tiếp quản chiếc ghế huấn luyện vào năm 2005, vị chiến lược gia người Áo đã kết hợp hài hòa giữa yếu tố kinh nghiệm cùng sự nhiệt huyết tuổi trẻ. Nhờ vậy, ông giúp “Những chiến binh sao vàng” chạm đến nhiều cột mốc đáng nể như: giành huy chương bạc SEA Games 2005, lọt vào tứ kết Asian Cup 2007, đoạt hạng 3 tại AFF Cup 2007 và giành tấm vé vào vòng loại thứ ba Olympic 2008. Xen giữa những cột mốc đó là một lần về nhì ở giải giao hữu Kings Cup 2006.
Trong đó, chiến tích đưa đội tuyển Việt Nam lọt vào tứ kết Asian Cup 2007 là một trong những mốc son chói lọi của vị chiến lược gia người Áo. Đó là lần đầu tiên Những chiến binh sao Vàng được dự giải đấu lớn nhất châu Á và thầy trò Huấn luyện viên Riedl đã làm nức lòng người hâm mộ bằng những trận cầu bùng nổ.
Tuy chưa từng bước lên ngôi, huấn luyện viên Riedl vẫn để lại nhiều dấu ấn với bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Khả Hòa)
Mặc dù ông Riedl chia tay bóng đá Việt Nam một năm sau đó, nhưng người kế nhiệm là Huấn luyện viên Henrique Calisto đã giúp thế hệ Công Vinh lần đầu tiên giành được chức vô địch AFF Cup 2008. Những thành quả này đều bắt nguồn từ nền móng do ông Riedl để lại.
Hiện tại, Việt Nam sở hữu dàn tài năng trẻ như Đình Bắc, Thái Sơn hay Văn Khang... mới ở độ tuổi đôi mươi. Trong khi đó, những người đàn anh như Quang Hải, Văn Toàn, Hùng Dũng, Hoàng Đức đang ở giai đoạn chín nhất sự nghiệp.
Điều chúng ta cần là một vị thuyền trưởng có khả năng kết hợp hài hòa những lứa cầu thủ này và khai thác trọn vẹn điểm mạnh của họ. Bên cạnh đó, VFF cũng cần xây dựng lộ trình để phát triển hệ thống giải bóng đá quốc nội cũng như thúc đẩy sự phát triển của các lò đạo tạo trẻ.
Trong năm nay, bóng đá Việt Nam đứng trước cơ hội cải thiện thành tích với hai đấu trường: ASEAN Championship và U23 Asian Cup. Ở những giải đấu này, huấn luyện viên hoàn toàn có thể thử nghiệm và đánh giá các cầu thủ trẻ, trước khi chọn ra cá nhân phù hợp để bổ sung vào đội hình tuyển quốc gia.
Thái Sơn là một trong những tài năng sáng giá của bóng đá Việt Nam hiện tại. (Ảnh: Gettys)
Kỳ SEA Games 33 diễn ra trên đất Thái Lan vào năm tới 2025 cũng sẽ là cơ hội để lớp cầu thủ trẻ chứng tỏ bản lĩnh của mình. Khi mọi thứ đã trở lại quỹ đạo, việc Đội tuyển Việt Nam lấy lại chuỗi phong độ cao và giành lại vị thế là điều không thể ngăn cản.
Gửi phản hồi
In bài viết