Góp phần tạo những khác biệt
Dưới góc độ sở hữu trí tuệ, tài nguyên du lịch là nguồn tài sản quý báu. Đây chính là lợi thế cạnh tranh của địa phương này với địa phương khác, góp phần tạo ra tính độc đáo, sự duy nhất, giúp phân biệt sản phẩm du lịch của các điểm đến với nhau.
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, khai thác tài sản trí tuệ để phát triển du lịch đang là xu thế chung trên thế giới, nhằm tạo ra những nét đặc trưng khác biệt cho sản phẩm, dịch vụ du lịch của từng địa phương. Hà Nội có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa phong phú, đặc sắc. Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm du lịch, giúp tạo dựng niềm tin về chất lượng dịch vụ của sản phẩm du lịch đó trong lòng khách hàng. Ngoài ra, việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn giúp mở rộng quy mô sản phẩm, dịch vụ, sức cạnh tranh cao, góp phần quảng bá du lịch địa phương, quốc gia.
Còn theo doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group - doanh nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ du lịch hạng sang, thời gian qua, nhiều trải nghiệm du lịch sáng tạo từ chất liệu văn hóa đã được đón nhận, như: Tinh hoa Bắc Bộ, giải mã Hoàng thành Thăng Long, đêm linh thiêng Hỏa Lò… Việc phát triển du lịch sáng tạo tại Hà Nội đã góp phần làm đa dạng và nâng cao chất lượng cho hệ thống sản phẩm du lịch, tăng khả năng cạnh tranh, bảo tồn giá trị văn hóa, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch. Tuy nhiên, đã có tranh chấp sáng tạo liên quan đến bản quyền vở sân khấu thực cảnh “Thuở ấy xứ Đoài” với “Tinh hoa Bắc Bộ”; nhiều doanh nghiệp du lịch Hà Nội có tên gần giống nhau gây nhầm lẫn, như: Hanoitourist, Hanoitourism… Không ít sản phẩm du lịch bị sao chép trắng trợn, nhiều sản phẩm xuất xứ vẫn bị mất thương hiệu.
Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, do chưa thực sự hiểu đầy đủ về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực du lịch, nên nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch chưa quan tâm đến bảo vệ sở hữu trí tuệ chung của địa phương, đơn vị mình, thậm chí là sở hữu trí tuệ của cá nhân. Họ chỉ thực hiện các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ trong trường hợp thấy rõ ảnh hưởng đến kinh doanh của đơn vị mình, mà không có kế hoạch bảo vệ từ xa hoặc lường trước các rủi ro mang đến vì quyền trí tuệ bị xâm phạm.
Xây dựng thương hiệu điểm đến
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, ngoài việc phải tìm ra điểm khác biệt để tạo dựng thương hiệu cho du lịch Hà Nội, thì việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm du lịch cũng là một công cụ đắc lực trong việc tăng độ nhận diện và ghi nhớ của khách du lịch, giúp tạo dựng niềm tin về chất lượng dịch vụ của sản phẩm du lịch đó trong lòng khách hàng.
Dưới góc độ doanh nghiệp, doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group nhìn nhận, Hà Nội cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều sản phẩm sáng tạo từ đầu vào là tài nguyên di sản văn hóa. Các sản phẩm này cần đăng ký sở hữu, đăng ký tác quyền tên miền trên internet để tăng sự bảo hộ và thu hút du khách. Không cho đăng ký tên doanh nghiệp gây nhầm lẫn khi cấp giấy phép kinh doanh.
Còn theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, để nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp du lịch về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực du lịch, cần xây dựng các tài liệu hướng dẫn, ấn phẩm, dữ liệu về sở hữu trí tuệ trong du lịch Thủ đô. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống tiêu chí, xác định giá trị thương hiệu du lịch, nhãn hiệu du lịch, giúp khách hàng nhận diện uy tín của doanh nghiệp và tạo động lực cho doanh nghiệp khai thác sở hữu trí tuệ mở rộng kinh doanh.
Để đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ và thị trường du lịch, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Văn Bảy gợi ý, cần lựa chọn ưu tiên phát triển tài sản trí tuệ có tính liên kết với cộng đồng địa phương và khả năng tham gia chuỗi du lịch; nên xây dựng thương hiệu điểm đến “Du lịch Thủ đô/Du lịch Hà Nội” có bộ nhận diện qua tên gọi, logo, hình ảnh đặc trưng.
“Cần xây dựng, quản lý và khai thác tốt các nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; coi trọng uy tín chất lượng của sản phẩm, dịch vụ, bảo đảm phát triển bền vững, bảo tồn được các sản phẩm truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời, cần có chính sách quản lý, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ trong nước, mà còn sớm bảo hộ ở nước ngoài”, ông Nguyễn Văn Bảy lưu ý.
Gửi phản hồi
In bài viết