Một số mô hình đã diễn diễu khắp các tuyến phố trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quốc Việt
Có lẽ sau một thời gian dài dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội, một lễ hội Trung thu sôi nổi với đầy đủ màu sắc, âm nhạc, ánh sáng quay trở lại là niềm mong mỏi của nhiều người dân. Năm nay, Lễ hội Thành Tuyên với chủ đề “Lung linh sắc màu đêm hội Thành Tuyên” gắn với Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Thực hành hát Then của người Tày, Nùng, Thái tại Việt Nam” sẽ chính thức diễn ra vào ngày 4-9 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Cùng với đó là nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc đầy hấp dẫn được tổ chức như chung kết cuộc thi Người đẹp xứ Tuyên; Liên hoan văn hóa các dân tộc tỉnh Tuyên Quang; trưng bày, giới thiệu ẩm thực các dân tộc tỉnh Tuyên Quang và Lễ hội bia Hà Nội 2022...
Chị Hoàng Ngọc Linh, chủ cửa hàng thời trang Linh Hoàng, số 95, đường Quang Trung (TP Tuyên Quang) nói, những ngày gần đây, gia đình chị đã được chứng kiến nhiều mô hình đèn Trung thu đi qua tuyến phố Quang Trung. Mặc dù chưa chính thức bước vào lễ hội, thế nhưng không khí Trung thu đã ngập tràn trên phố phường với những rồng vàng, thiên nga... Những đứa trẻ không giấu nổi niềm vui và sự háo hức khi được ngồi trên xe với những mô hình đèn khổng lồ rực rỡ.
Miệt mài từ những ngày đầu tháng 4, tháng 5, đến nay những mô hình đèn Trung thu do những “nghệ nhân” không chuyên tại các tổ dân phố thực hiện đang dần hoàn thiện những khâu cuối cùng. Để có được những mô hình đèn ấy, các tổ dân phố đã kêu gọi vận động đóng góp sức người, sức của của nhân dân. Chính tinh thần đoàn kết, đồng lòng cùng mong muốn đem đến một mùa Trung thu đầm ấm cho thiếu nhi đã góp phần tạo nên Lễ hội Thành Tuyên ngày hôm nay.
Niềm vui trẻ thơ. Ảnh: Quốc Việt
Đến tổ 6, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) những ngày này có thể cảm nhận được sự tất bật chuẩn bị cho ngày hội trăng rằm. Người cắt dán giấy, người chỉnh sửa lại mô hình, người chuẩn bị động cơ... ai cũng tập trung làm việc một cách đầy đam mê và nhiệt huyết. Bà Nguyễn Thị Tuyên, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố cho biết, mỗi mô hình đều gửi gắm trong đó những câu chuyện hay, những bài học ý nghĩa của cuộc sống. Năm nay, tổ đã lựa chọn làm mô hình với chủ đề “Cá chép vượt vũ môn hóa rồng”. Đây là biểu tượng của sự may mắn, can đảm, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách. Để tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí, tổ dân phố đã lựa chọn ra những người có tay nghề, kinh nghiệm làm mô hình đèn Trung thu. Sau đó, tiến hành chia ra từng nhóm nhỏ với những phần việc cụ thể như lên ý tưởng thiết kế, lắp đặt máy móc, cơ khí, tạo hình nghệ thuật, thiết kế và lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng... Trong quá trình làm mọi người cùng nhau chỉnh sửa, góp ý để mô hình hoàn thiện, vừa đẹp về hình thức lại đảm bảo an toàn cho trẻ em vui chơi.
Ông Phạm Toán, tổ 15, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, sau hơn 2 năm dịch bệnh, các khung mô hình đèn hầu hết đã xuống cấp, rỉ sét, hệ thống máy móc nhiều thứ đã hỏng, giá cả các vật liệu lại gia tăng khiến việc làm mô hình trở nên khó khăn hơn. Thế nhưng nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của bà con nhân dân trong tổ dân phố với mong muốn quảng bá hình ảnh Lễ hội Thành Tuyên của quê hương đến với du khách thập phương, đến nay nhiều mô hình đã đi vào khâu hoàn thiện như mô hình Đám cưới chuột, Cá chép trông trăng...
Các mô hình được nhân dân đầu tư công phu và đẹp mắt. Ảnh: Quốc Việt
Nhắc đến Lễ hội Thành Tuyên, người ta khó có thể quên được “tinh thần Dốc Đỏ”. Chiếc thuyền mô hình của một số hộ dân tổ 10, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) có lẽ là một trong những mô hình thô sơ và đầu tư ít kinh phí nhất suốt 10 năm qua. Thế nhưng sự nhiệt tình, sôi động của những “chủ thuyền”, cách trang trí và thể hiện mang dấu ấn độc đáo riêng đã tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ đối với nhiều người dân và cả du khách tham gia Lễ hội Thành Tuyên. Bà Vũ Thị Hiền, tổ 10, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) tâm sự, không rực rỡ, bắt mắt như nhiều mô hình đèn Trung thu khác, thế nhưng chính tinh thần vui chơi hết mình, vũ điệu lôi cuốn ẩn chứa trong những bộ trang phục và mặt nạ huyền bí mang tinh thần Dốc Đỏ đã để lại ấn tượng cho nhiều du khách.
Là một người con sống xa quê nhưng bà Vũ Kim Thuận, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn luôn giới thiệu cho bạn bè gần xa về lễ hội Trung thu lớn nhất cả nước ở quê hương mình. Năm nay có dịp trở lại quê hương, bà đã ủng hộ 1 triệu đồng đóng góp xây dựng, sửa sang mô hình Thuyền Dốc Đỏ. Bà Thuận bảo rằng, đóng góp làm mô hình cũng chính là đóng góp để xây dựng, quảng bá hình ảnh quê hương.
Một mùa trăng tháng Tám nữa lại sắp về, không khí Trung thu cũng đang lan tỏa trên khắp nẻo đường của thành phố với những mô hình đèn được chuẩn bị công phu. Qua đó hứa hẹn sẽ mang lại một lễ hội âm thanh, ánh sáng đầy màu sắc lung linh huyền ảo sắp tới.
Gửi phản hồi
In bài viết