Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Chứng nhận Tết Trung thu ở Hội An vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo thành phố Hội An.
Dự lễ đón nhận đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Trung thu ở Hội An có Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan liên quan của tỉnh; đại diện lãnh đạo thành phố Hội An và đông đảo nhân dân địa phương, du khách.
Tại buổi lễ, thừa ủy nhiệm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng công bố quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo đó, đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu ở Hội An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Tết Trung thu từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Hội An. Tết Trung thu còn được gọi là Tết thiếu nhi hay Tết đoàn viên bởi vào dịp này, các thành viên trong gia đình lại được quây quần bên mâm cỗ Trung thu; cùng ngắm trăng, ăn bánh, thưởng trà và chia sẻ cùng nhau những câu chuyện thường nhật, tạo nên một khung cảnh sum vầy ấm áp và tràn đầy tình yêu thương.
Theo lãnh đạo thành phố Hội An, danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Trung thu càng khẳng định những giá trị mà Tết Trung thu mang lại trong đời sống của nhân dân địa phương, là cơ hội để các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy.
Trong hơn 25 năm qua, Tết Trung thu ở Hội An đã gắn liền với hoạt động của đêm rằm phố cổ và trở nên lung linh, huyền ảo thu hút đông đảo du khách.
Cùng với đó, các lớp dạy hát dân ca, đồng dao; trò chơi dân gian trẻ em; hướng dẫn làm và trang trí đồ chơi Trung Thu… cũng được tổ chức, nhằm tạo thêm các hoạt động tìm hiểu, khám phá văn hóa truyền thống thú vị cho các em thiếu nhi trong dịp này.
Cũng như các lễ hội dân gian khác, Tết Trung thu tại Hội An có sự giao thoa, tiếp biến giữa văn hóa bản địa truyền thống với văn hóa bên ngoài do lịch sử từng là thương cảng quốc tế, nên có nhiều giá trị đặc biệt riêng có.
Tết Trung thu ở Hội An.
Trong quá trình ấy, người Hội An đã chọn lọc các giá trị tinh hoa, sáng tạo phù hợp và tích hợp thành nét riêng biệt vốn chỉ có tại Hội An. Tết Trung thu ở Hội An còn là nơi thể hiện các giá trị tâm linh, tín ngưỡng, sự quan tâm gìn giữ của cả cộng đồng. Điều này đã thể hiện qua hoạt động múa Thiên Cẩu hiện vẫn còn duy trì tại Hội Tết Trung thu ở Hội An.
Đây là nét văn hóa đặc biệt cần được bảo tồn và phát huy trong quá trình Hội An xây dựng hồ sơ trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian để tham gia ứng cử vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.
Đây là nét văn hóa đặc biệt cần được bảo tồn và phát huy trong quá trình Hội An xây dựng hồ sơ trên lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật dân gian để tham gia ứng cử vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.
Trước khi diễn ra lễ đón, thành phố Hội An tổ chức đoàn diễu hành rước danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tết Trung thu ở Hội An qua các tuyến đường trong khu phố cổ Hội An.
Cùng với hoạt động này, trong đêm nay (28/9), sẽ tái hiện không gian “Đêm phố cổ” Hội An đầu thế kỷ XX với đời sống tinh thần đa dạng cùng các hoạt động văn hóa nghệ thuật thơ ca, trò chơi bài chòi, hò khoan đối đáp, sinh hoạt văn hóa truyền thống…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết, Hội Tết Trung thu Quý Mão, Hội An 2023 diễn ra từ ngày 26-30/9 (12-16/8 âm lịch) với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Mở đầu cho sự kiện này là Hội thi múa Lân-múa Thiên Cẩu dành cho các em thiếu nhi đến từ các trường THCS trên địa bàn thành phố Hội An. Hội thi diễn ra tối 27/9 kết hợp với chương trình văn nghệ “Đêm hội Trăng rằm” để phục vụ các em thiếu nhi trên địa bàn thành phố.
Gửi phản hồi
In bài viết