Dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh. Tại điểm cầu các huyện, thành phố dự hội nghị có Thường trực các Huyện ủy, Thành ủy.
Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng tỉnh ta vẫn duy trì ổn đình tình hình sản xuất kinh doanh. Sản xuất nông lâm nghiệp tiếp tục có bước phát triển; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 26,3% so với cùng kỳ, một số sản phẩm tăng khá như hàng dệt may, bột giấy, giấy xuất khẩu. Nhiều nhà máy đóng góp giá trị lớn như nhà máy sản xuất tai nghe, thủy điện sông Lô 8A, 8B, Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, Gang thép Tuyên Quang… Các cơ quan trong khối tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công năm 2021 và xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2025 tỉnh Tuyên Quang; thực hiện tốt công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính các dự án đầu tư ngoài ngân sách đã tạo được nhiều kết quả tích cực...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số khó khăn, hạn chế. Một số sản phẩm công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt thấp so với kế hoạch; dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế triệt để gây thiệt hại cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến việc phát triển đàn. Kế hoạch di dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm; tiến độ thực hiện một số công trình, dự án còn chậm, ảnh hưởng đến mục tiêu và hiệu quả đầu tư của dự án…
Lãnh đạo Sở Công Thương phát biểu tại hội nghị.
Thảo luận hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ những bất cập, hạn chế và những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm; biện pháp thực hiện tiêm phòng Covid-19 cho 50% dân số của tỉnh; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm biểu dương, ghi nhận nỗ của các cơ quan trong khối thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch bệnh. Nhiều lĩnh vực gặp khó khăn nhưng các đơn vị đã có nhiều giải pháp bảo đảm ổn định sản xuất. Các ngành đã có nhiều nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công đã đạt hơn 70% kế hoạch; thu ngân sách đạt hơn 71% so với dự toán; sản xuất nông lâm nghiệp phát triển ổn định. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 được đẩy mạnh, tạo vùng xanh an toàn cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí nhấn mạnh, không vì dịch bệnh mà xây dựng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 thấp hơn so với năm 2021, phải quyết liệt, nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Đồng chí đề nghị trong thời gian còn lại của năm 2021, các cơ quan trong khối tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa khôi phục phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Đồng thời, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh; có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Ngành Y tế có giải pháp tiêm phòng cho 50% dân số của tỉnh, do đó phải chủ động có nguồn vắc xin, quyết không đi chậm so với cả nước về tiêm phòng vắc xin. Duy trì các trạm, chốt phòng dịch chính, tạm dừng những trạm, chốt kiểm soát dịch không cần thiết. Ngành cần tham mưu cho tỉnh kiểm soát các đối tượng về tỉnh để cách ly kịp thời, hướng dẫn cho các huyện, thành phố thực hiện cách ly các đối tượng theo quy định.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan chức năng vận động người lao động ở lại các tỉnh để làm việc, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ngành chức năng phối hợp với các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh, sớm đưa vào hoạt động, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và tăng thu ngân sách Nhà nước; đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai thuận lợi, đúng tiến độ, nhất là các dự án tại khu, cụm công nghiệp. Ngành Công Thương cần xác định các sản phẩm đạt thấp để có biện pháp bù đạy; quan tâm các sản phẩm sản xuất quy mô lớn.
Về sản xuất nông nghiệp, đồng chí đề nghị các địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất vụ đông bảo đảm khung thời vụ; mở rộng vùng sản xuất hữu cơ, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; có giải pháp xử lý triệt để dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò để người dân tái đàn, yên tâm sản xuất.
Trong những tháng cuối năm, các ngành phải thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt cho quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác quán lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các ngành chức năng, các huyện, thành phố chuẩn bị các điều kiện để đón khách du lịch khi dịch bệnh được khống chế; các giải pháp kích cầu hoạt động du lịch bảo đảm an toàn, hấp dẫn phù hợp với diễn biến dịch Covid-19; tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 190 thành lập tỉnh; các hoạt động chào xuân năm 2022…
Các ngành, các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường, thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thanh toán, giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, thanh toán khối lượng hoàn thành, thu hồi vốn tạm ứng, giảm thiểu chuyển vốn sang năm sau, bảo đảm đến 31-12-2021 giải ngân đạt trên 98%, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh. Các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận nhất để các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh; nâng cao chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu.
Các ngành chức năng, các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, liên thông trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, không để xảy ra nhũng nhiễu, tiêu cực, trì trệ trong giải quyết công việc. Các huyện, thành phố phải tạo điều kiện nhất cho các nhà đầu tư, phải coi việc của nhà đầu tư là việc của mình. Các dự án ngoài ngân sách có ý nghĩa quan trọng trong tạo việc làm cho người lao động, do đó, các huyện, thành phố phải quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, tạo yên tâm và niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh…
Gửi phản hồi
In bài viết