Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm: Phải đảm bảo mục tiêu phát triển lâu dài

- Ngày 25-2, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến một số chủ trương quan trọng.

Dự họp có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và một số sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.

Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường

Cho ý kiến vào Dự án xây dựng trang trại chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao tại xã Nhân Lý (Chiêm Hóa), đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu, ngành Nông nghiệp phải thu hút dự án có giá trị cao, nhất là ở khu vực Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, hạn chế tối đa chăn nuôi quy mô lớn vì phải bảo vệ tài nguyên, thiên nhiên, không làm dự án tác động đến môi trường để phát triển du lịch. Không vì mục tiêu ngắn hạn ảnh hưởng đến mục tiêu lâu dài. Về đất đai, huyện Chiêm Hóa phải kiểm tra toàn bộ hồ sơ đất của cá nhân, doanh nghiệp để hướng dẫn chặt chẽ, tránh tình trạng người dân tự đi mua đất chuyển nhượng khi chưa có chủ trương làm dự án. Đồng thời, quan tâm công tác bảo vệ môi trường, thực hiện chăn nuôi tập trung để quản lý hiệu quả; đầu tư xây dựng hệ thống nước thải, rác thải, không để ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Công tác giám sát việc thực hiện dự án phải được quan tâm thường xuyên, không để triển khai dự án trái mục đích.

Về việc bổ sung quy hoạch khoáng sản chì kẽm điểm mỏ Nặm Chá, xã Lăng Can (Lâm Bình); chủ trương xây dựng nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu tại Khu công nghiệp Long Bình An, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan chức năng, các địa phương phải đảm bảo các biện pháp bảo vệ môi trường, không để ô nhiễm nguồn nước, không khí và bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất cho nhà máy. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư phải tìm hiểu các mặt hàng có giá trị để không lãng phí nguồn nguyên liệu; rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ.

Đối với việc nạo vét, cải tạo 2 ghềnh đá hạ lưu thủy điện sông Lô 8A, huyện Hàm Yên, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh ra chủ trương thực hiện.

Về xây dựng trạm trộn bê tông thương phẩm tại xã Sơn Nam (Sơn Dương), Thường trực Tỉnh ủy cho rằng, việc xây dựng trạm trộn bê tông là cần thiết, bảo đảm tăng cường cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho quá trình xây dựng nông thôn mới. Thường trực Tỉnh ủy nhất trí bổ sung danh mục quy hoạch các dự án thủy điện tiềm năng vào Quy hoạch điện VIII trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, phát triển thủy điện phải đảm bảo gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh và phát triển thủy sản, nâng cao đời sống nhân dân.

Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh báo cáo tiến độ thực hiện
xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ.

Cho ý kiến về tiến độ thực hiện điều chỉnh đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối vơi cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, phải điều chỉnh vì giá cả biến đổi rất lớn, tuy nhiên đây là tuyến đường huyết mạch, không để chậm tiến độ, bảo đảm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cần làm rõ tính đặc sắc văn hóa Tuyên Quang

Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2030 có 100% các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạnh được bảo tồn và phát huy giá trị; các di tích quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa phi vật thể nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các bảo vật quốc gia được số hóa và ứng dụng trên nền tàng số…Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh, kế hoạch phải làm rõ tính đặc sắc của văn hóa Tuyên Quang trong dòng chảy văn hóa Việt Nam để văn hóa thực sự là nền tảng, động lực cho quá trình phát triển. Những nội dung đề cập trong kế hoạch như phát triển công nghiệp văn hóa phải đánh giá, nhìn nhận khách quan, phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. Các thiết chế văn hóa của tỉnh như bảo tàng, thư viện phải được sử dụng, khai thác như thế nào để góp phần xây dựng con người Tuyên Quang phát triển toàn diện.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, phải rà soát tất cả các mục tiêu đề ra cho phù hợp, nhiều chỉ tiêu trong kế hoạch đã đạt được không cần phải đề cập trong kế hoạch. Đặc biệt, các chỉ tiêu phải phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII để thống nhất trong tổ chức thực hiện. Các lễ hội phải thu hút được đông đảo nhân dân và du khách, nhất là khả năng xây dựng thương hiệu đột phá cho phát triển du lịch, do đó phải đầu tư suy nghĩ để lựa chọn kỹ, đúng, bảo đảm khai thác, tạo dựng thương hiệu mang lại giá trị cao nhất. Ngành Văn hóa chủ trì xây dựng thương hiệu Lễ hội Thành Tuyên, tổ chức thi mô hình đèn trung thu quốc tế. Đồng thời, phải thực hiện số hóa bảo tàng, thư viện, khai thác sao cho hiệu quả cảnh quan với tổ chức các hoạt động tại bảo tàng, thư viện. Để làm tốt điều đó, đội ngũ cán bộ phải tận tâm, sáng tạo trong công việc để thu hút du khách, mang lại giá giá trị cao cho ngành du lịch…

Tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng khác.

Tin, ảnh: Thành Công

Tin cùng chuyên mục