Đông đảo người dân Pháp tới tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa Việt. Ảnh: Art Space.
Đây là chuỗi sự kiện đặc biệt nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp diễn ra thường niên vào tháng 6 hằng năm.
Đặc biệt, chuỗi sự kiện của “Tuần lễ Việt Nam tại Nantes” năm nay được Art Space hợp tác với Hiệp hội Tissé Métisse và có sự tham gia của 33 học sinh người Việt và gốc Việt tới từ Canada, Anh, Australia, Pháp, Nhật và Việt Nam.
“Trà, áo dài và Việt Nam” - bộ phim ấn tượng về văn hóa Việt
“Trà, áo dài và Việt Nam” là bộ phim tài liệu 60 phút kể về các cuộc gặp gỡ với những nhân vật người Việt Nam, Việt kiều, người nước ngoài yêu Việt Nam ở khắp thế giới, trong đó, họ chia sẻ cảm nhận, suy nghĩ về hai biểu tượng văn hóa Việt là “trà” và “áo dài”.
Trong số các nhân vật được phỏng vấn còn có nhà thiết kế áo dài người Huế Ella Phan, người đã mang áo dài Việt giới thiệu tới nhiều sàn diễn thời trang ở nước ngoài, và bà cụ Dần 100 tuổi rất nổi tiếng với “Trà Sen bà Dần” ở Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội, được mệnh danh là “thiên cổ đệ nhất trà”.
Từ những câu chuyện xoay quanh các nhân vật nói về trà và áo dài, bạn bè quốc tế hiểu thêm được về phong tục tập quán, về văn hóa và đất nước Việt Nam, cũng như cảm nhận được sự dung dị, gần gũi, mến khách và những phẩm chất tốt đẹp khác của người Việt.
Điều đặc biệt là bộ phim được thực hiện bởi đội ngũ trẻ, đa số là các bạn thiếu niên người Việt 13 đến 17 tuổi, đến từ khắp thế giới và đam mê giới thiệu văn hóa Việt. Các em đảm nhiệm hầu hết các khâu quan trọng, như: Quay phim, phiên dịch, làm phụ đề, chụp ảnh quảng bá và làm truyền thông giới thiệu bộ phim tại Pháp.
Bà Cécile Lancien - Giám đốc Carré International, thành phố Saint-Herblain chia sẻ: “Nhờ bộ phim này, tôi có cơ hội được hiểu thêm về văn hóa trà Việt, về thói quen chia sẻ khi thưởng thức trà, và cả truyền thống về áo dài, một nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, một thứ gắn liền với cuộc sống của người phụ nữ Việt. Cách dẫn dắt câu chuyện trong bộ phim rất cảm động, những nhân vật được phỏng vấn vô cùng cởi mở. Tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời khi xem bộ phim này”.
Kể chuyện cổ tích Việt Nam bằng song ngữ Việt - Pháp
Với mong muốn truyền tải vẻ đẹp của tiếng Việt cùng nét văn hóa truyền thống của Việt Nam tới bạn bè quốc tế, các thành viên dự án Toucher Arts đã chọn câu chuyện quen thuộc về ngày Tết là “Sự tích bánh chưng, bánh dày”, kết hợp với hình thức kịch rối, khiến hàng trăm khán giả tham gia vô cùng thích thú. Các em nhỏ người Pháp và gia đình còn hào hứng trả lời câu hỏi về văn hóa Việt để nhận quà tặng, hay tự trang trí mẹt tre, làn tre chủ đề ngày Tết với bánh chưng, hoa mai, hoa đào…
Toàn bộ phần kịch bản, chuyển ngữ, dựng và vẽ sân khấu kịch rối, điều khiển nhân vật, dẫn chuyện, hướng dẫn workshop… đều được hoàn thành bởi các bạn trẻ thanh, thiếu niên gốc Việt của dự án Toucher Arts tới từ khắp thế giới. Được biết, các thành viên đã mất 3 tháng để chuẩn bị cho dự án này trước khi đến Pháp.
Bà Hélène Grandhomme, quản lý Thư viện Tài liệu Tissé Métisse hào hứng cho biết: “Chúng tôi rất hân hạnh được hợp tác tổ chức ngày Việt Nam tại Tissé Métisse, cùng với các gia đình đang sinh sống tại thành phố Nantes thực hiện buổi diễn kịch rối, các hoạt động thủ công, thư pháp, tranh Đông Hồ; giới thiệu những cuốn sách truyện về Việt Nam. Các gia đình tham gia đều rất hài lòng và vô cùng vui vẻ”.
Học sinh Việt Nam tự tin chia sẻ văn hóa Việt
Trong khuôn khổ tuần lễ Việt Nam, các trường học ở Pháp đã mời dự án Toucher Arts tới để chia sẻ và nói chuyện, giúp học sinh Pháp hiểu thêm về văn hóa Việt. Các thành viên đã có buổi thuyết trình về văn hóa Việt Nam cho học sinh khối lớp 4 của trường tiểu học Sainte Madeleine de la Joliverie, cũng như biểu diễn âm nhạc Việt Nam và tổ chức các hoạt động quảng bá văn hóa Việt cho hơn 2.000 phụ huynh và học sinh của trường trung học Loquidy trong dịp lễ hội kết thúc năm học.
Học sinh Việt Nam tự tin chia sẻ về văn hóa Việt. Ảnh: Art Space.
Bà Hoàng Thu Trang, Chủ tịch Hiệp hội Art Space và dự án Toucher Arts cho biết: “Tuần lễ Việt Nam tại Nantes đã thu hút hàng nghìn người Pháp tới tham gia. Ai cũng hào hứng tìm hiểu về Việt Nam cũng như các phong tục tập quán, các lễ hội thú vị mà chúng tôi giới thiệu. Tôi nghĩ lý do là chúng tôi đã kể câu chuyện văn hóa Việt Nam một cách khác biệt dưới góc nhìn của những người trẻ và do chính các bạn trẻ thực hiện. Không chỉ có vậy, chúng tôi cũng mong muốn những thiếu niên Việt Nam, những người thực hiện chính của dự án cảm nhận được lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm chia sẻ văn hóa quê hương với thế giới. Chính thế hệ trẻ hôm nay sẽ trở thành những đại sứ văn hóa của Việt Nam trong tương lai, là cầu nối giúp cho bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn”.
Gửi phản hồi
In bài viết