“Phao” cho người yếu thế
Theo số liệu thống kê giai đoạn 2017 - 2022, Trung tâm TGPL đã thụ lý và thực hiện 1.931 vụ việc, trong đó: tư vấn pháp luật 1.005 việc; tham gia tố tụng 924 vụ việc thuộc các lĩnh vực pháp luật hình sự, pháp luật dân sự, pháp luật hành chính và lĩnh vực pháp luật khác. So với giai đoạn trước, số vụ việc TGPL ngày càng tăng (27,2%), trong đó vụ việc tham gia tố tụng tăng tới 78,4%. Qua thực hiện thẩm định chất lượng các vụ việc TGPL bằng hình thức tham gia tố tụng đối với 740 vụ việc, kết quả 631 vụ việc đạt kết quả tốt (chiếm 85,2%), 109 vụ việc đạt chất lượng khá (chiếm 14,7%). Trung tâm TGPL đã xác định 484 vụ việc thành công, hiệu quả (chiếm 65,4%).
Trong quá trình tham gia tố tụng có rất nhiều đối tượng phạm tội có hoàn cảnh hết sức éo le, thương tâm chỉ vì không hiểu biết pháp luật hoặc lâm vào tình trạng bị kích động.
Điển hình như vụ việc ở thôn Đá Bàn, xã Minh Hương (Hàm Yên), 2 vợ chồng lấy nhau khi người vợ chưa đủ 16 tuổi đã sinh con. Khi mâu thuẫn gia đình xảy ra, người thân gia đình nhà gái đi kiện khiến người chồng phải vướng vào vòng lao lý. Trường hợp khác ở thôn Nà Lòa, xã Xuân Lập (Lâm Bình) vợ chồng đánh nhau dẫn đến trọng thương... Từ các lập luận và căn cứ pháp lý thuyết phục, trợ giúp viên pháp lý đã bào chữa thành công, giảm nhẹ mức án cho các bị cáo ở mức tối thiểu. Kết thúc các phiên tòa, nhiều người đều thấy tâm đắc về phán quyết của tòa án bởi vừa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đồng thời thể hiện tính nhân văn, để đối tượng có cơ hội sớm được trở về với xã hội.
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tư vấn pháp luật cho đồng bào Mông ở xã Thổ Bình (Lâm Bình).
Vàng A Ly thôn Nà Lòa, xã Xuân Lập chia sẻ, chỉ vì một cơn bực tức tôi đã không làm chủ được bản thân dẫn đến gây thương tích cho vợ. Nhờ có cán bộ TGPL giúp tôi nhẹ tội sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, cùng vợ chăm sóc nuôi dạy các con. Cán bộ TGPL thực là cái “phao” giúp những người yếu thế như chúng tôi.
Truyền thông đi trước
Xác định công tác truyền thông phải đi trước một bước, vì vậy thời gian qua Trung tâm TGPL Nhà nước đã chủ động tham mưu với Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh quan tâm chỉ đạo công tác truyền thông về TGPL. Cùng với đó, Trung tâm tăng cường tổ chức các đợt truyền thông TGPL tại các thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi được xem là “vùng trũng” về tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Công tác truyền thông về TGPL không giống như buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật mà những cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước đến tận gia đình các hộ dân, trực tiếp tiếp nhận những câu hỏi, tháo gỡ những vướng mắc của người dân liên quan thiết thực đến đời sống, sinh hoạt, hôn nhân, gia đình, tranh chấp đất đai... Trong 5 năm qua, Trung tâm TGPL đã thực hiện 86 đợt TGPL ngoài trụ sở và truyền thông về TGPL đến 250 điểm dân cư tại các xã thuộc các huyện trong tỉnh; hướng dẫn pháp luật trực tiếp cho trên 16.000 lượt người, cung cấp trên 65.000 tờ gấp pháp luật, tài liệu truyền thông về TGPL cho nhân dân; cung cấp 195 bảng thông tin về TGPL cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện, công an các xã và UBND các xã; thực hiện truyền thông, hướng dẫn về TGPL thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, trang thông điện tử, xây dựng chuyên trang, chuyên mục, qua điện thoại, đường dây nóng về TGPL...
Đồng chí Lại Khoa Lâm, Giám đốc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh cho biết, công việc của trợ giúp viên pháp lý là miễn phí, cái được lớn nhất của những người TGPL luôn nhận được sự biết ơn của các bị cáo trong quá trình tham gia TGPL tại Tòa án. Điều này thể hiện rõ tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật của mỗi người dân. Đây chính là động lực to lớn để những cán bộ Trung tâm TGPL Nhà nước gắn bó với công việc, luôn có sự đồng cảm, trợ giúp những người yếu thế theo đúng quy định của pháp luật.
Gửi phản hồi
In bài viết