Gia đình ông Nguyễn Huy Dương, tổ 17, phường Tân Hà (Tp Tuyên Quang) là một trong những gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam/dioxin. Ông đã từng trải qua nhiều công việc khác nhau để chăm lo cho gia đình, chăm sóc con bị tật nguyền nặng nề do ảnh hưởng của chất độc hóa học.
Ông Dương tâm sự: “Được sự chung tay giúp đỡ của chính quyền địa phương cũng như sự quan tâm chăm lo của các cấp hội, đến nay gia đình đã vượt qua được giai đoạn khó khăn”. Không chỉ được thăm hỏi, động viên vào những dịp lễ, tết, ngày truyền thống, gia đình ông Dương còn được hỗ trợ tiền để sửa sang nhà cửa, cho vay vốn phát triển kinh tế…
Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy thăm hỏi, tặng quà nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Chiêm Hóa hiện có đông hội viên nhất trên địa bàn tỉnh với 709 hội viên. Số hội viên giảm nhiều so với trước do ốm đau, bệnh tật. Ông Trần Đức Tuấn, Phó Chủ tịch hội chia sẻ: “Các hội và chi hội cấp xã, thị trấn trên địa bàn huyện Chiêm Hóa duy trì tốt quỹ tự lập để giúp đỡ hội viên. Đến nay một số hội có quỹ tự lập cao như Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Xuân Quang, xã Yên Nguyên, xã Hòa Phú… đã cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên vượt khó. Có nhiều hội viên vươn lên phát triển kinh tế hiệu quả như mô hình chăn nuôi tổng hợp, kinh doanh sản phẩm OCOP của ông Đào Xuân Chấp, tổ dân phố Vĩnh Tiến, thị trấn Vĩnh Lộc; mô hình sản xuất bún tươi và kinh doanh tổng hợp của ông Phạm Đình Chiến, thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên…”.
Đến nay, toàn tỉnh có 7 hội cấp huyện, 82 hội và 22 chi hội cấp xã với 2.985 hội viên. Nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các tổ chức, cá nhân tham gia giúp đỡ, hỗ trợ gia đình nạn nhân. Từ đầu năm đến nay đã có trên 4,1 nghìn lượt suất quà trị giá trên 1,8 tỷ đồng trao tặng cho các hội viên, nạn nhân da cam; có 2 gia đình nạn nhân được hỗ trợ làm nhà và sửa chữa nhà mới; tổ chức rà soát, lựa chọn nạn nhân đủ điều kiện sức khỏe để đưa đi xông hơi giải độc…
Ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết: “Tiếp tục chăm lo cho các hội viên, hàng năm tỉnh hội, huyện hội, các hội và chi hội cấp xã, thị trấn thường xuyên tiến hành rà soát nắm bắt tình hình, hoàn cảnh của từng hội viên để có phương án giúp đỡ phù hợp. Nhiều hoạt động đã được triển khai như tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân, hướng dẫn người tham gia kháng chiến làm hồ sơ xét hưởng chế độ theo quy định, đưa các hội viên đi xông hơi giải độc, hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở, hỗ trợ sinh kế… Qua đó góp phần sẻ chia khó khăn, tiếp thêm động lực để hội viên vượt khó vươn lên trong cuộc sống”.
Trong dịp kỷ niệm 63 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2024) và Ngày Vì Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, các cấp hội cũng tổ chức gặp mặt thăm hỏi, tặng quà nạn nhân, ôn lại truyền thống cùng nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ nâng cao đời sống tinh thần cho hội viên, nạn nhân da cam.
Gửi phản hồi
In bài viết