Vùng đất miền Tây trù phú
Làng cổ Đông Hòa Hiệp thuộc xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nằm ở phía tây sông Cái Bè, thuộc vùng hạ lưu sông Tiền, cách thành phố Mỹ Tho 46km. Làng cổ này là một vùng quần cư trải rộng trên nhiều ấp, là nơi tập trung nhiều di sản văn hóa và kiến trúc đặc trưng của miền Tây Nam Bộ.
Theo tài liệu lịch sử, Đông Hòa Hiệp hình thành vào cuối thế kỷ XVIII. Năm 1732, chúa Nguyễn đã cho thiết lập ở dinh Phiên Trấn (thuộc khu vực Sài Gòn - Gia Định) một đơn vị mới là dinh Long Hồ và chọn thôn An Bình Đông thuộc xã Đông Hòa Hiệp ngày nay để làm lỵ sở của dinh Long Hồ. Trong suốt 25 năm là lỵ sở dinh Long Hồ (1732 - 1757), làng Đông Hòa Hiệp đã quy tụ nhiều vị quan lại và địa chủ sinh sống, vì thế nơi đây mang nhiều dấu ấn của giới thượng lưu khi đó.
Từ thế kỷ XIX - XX, ở Đông Hòa Hiệp, nhiều ngôi nhà được xây cất bằng gỗ quý nằm ẩn mình bên những dòng sông, kênh rạch, vườn cây thoáng mát, tạo ra diện mạo kiến trúc và cảnh quan nổi trội so với các nơi khác. Đông Hòa Hiệp nằm kề sông Cái Bè và sông Tiền, cách chợ nổi Cái Bè 1km. Đó là điều kiện thuận lợi cho giao thông, giao thương phát triển, góp phần làm vùng đất này trở nên trù phú.
Di sản lớn nhất ở Đông Hòa Hiệp là quỹ kiến trúc cổ hàng trăm năm tuổi vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Trong đó có 7 ngôi nhà cổ từ 150 - 220 năm và 29 ngôi nhà từ 80 - 100 năm, 3 ngôi chùa và 1 ngôi đình làng trên 100 năm. Các ngôi nhà cổ tiêu biểu là nhà ông Lê Văn Xoát (ở ấp An Thạnh, xây dựng năm 1818 - là ngôi nhà cổ nhất), nhà ông Phan Văn Đức (ấp An Lợi, xây dựng năm 1870), nhà ông Trần Tuấn Kiệt (ấp Phú Hòa, xây dựng năm 1838)... Các ngôi nhà này có kiến trúc thuần Việt hoặc kết hợp kiến trúc phương Đông, phương Tây hài hòa. Đặc điểm chung của các ngôi nhà cổ là cao rộng, lợp mái ngói, có hệ khung gỗ được chạm trổ cầu kỳ với các đề tài truyền thống và đều nằm trong khuôn viên với vườn cây rộng, hàng rào và cổng bề thế, thể hiện sự giàu có của tầng lớp quan lại, địa chủ vùng Nam Bộ xưa. Ngoài ra, trong các ngôi nhà này còn bảo lưu nhiều đồ cổ như hoành phi, liễn đối, ván ngựa, tủ thờ, lư hương... có giá trị lịch sử và thẩm mỹ cao.
Điểm du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn
Xã Đông Hòa Hiệp có 7 ấp với khoảng 4.000 hộ gia đình. Người dân xưa kia sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và buôn bán trên sông nước. Điểm nhấn đáng chú ý là những loại cây trái như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng, măng cụt, nhãn, bưởi hay các nghề làm bánh cốm, bánh tráng, bánh phồng... Từ nhiều năm nay, người dân Đông Hòa Hiệp còn có nguồn thu nhập không nhỏ từ du lịch. Chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 120km nên nhiều du khách đã chọn tour Cái Bè - làng cổ Đông Hòa Hiệp với trải nghiệm tham quan làng cổ, chợ nổi, nhà thờ Cái Bè.
Đây cũng được coi là một “điểm sáng” về du lịch sinh thái - cộng đồng được nhiều người ưa thích. Chính quyền xã Đông Hòa Hiệp đã có kế hoạch, chính sách bảo tồn di sản và phát triển du lịch phù hợp với đặc thù địa phương. Cùng với việc gìn giữ những ngôi nhà cổ, miệt vườn xanh mướt, người dân Đông Hòa Hiệp còn phát huy giá trị của nếp sống nông thôn bình dị, văn hóa bản địa tạo nên hình thức du lịch cộng đồng mang bản sắc riêng. Nhiều gia đình đã mở dịch vụ homestay phục vụ ăn uống, lưu trú. Tới đây, du khách có thể cùng người dân địa phương làm cốm, bánh tráng, bánh phồng, chăm sóc vườn cây ăn trái, tát mương bắt cá, nghe đờn ca tài tử...
Nhằm tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa và các sản vật của địa phương, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất và người Tiền Giang, từ năm 2013, cứ 2 năm một lần huyện Cái Bè và tỉnh Tiền Giang lại tổ chức Lễ hội văn hóa - du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp với nhiều hoạt động xúc tiến du lịch mang bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương như: Triển lãm sinh vật cảnh, hòn non bộ; hội thi làm bánh dân gian; tổ chức các trò chơi dân gian, đua xuồng; diễu hành thuyền hoa, hội thi mâm ngũ quả, đờn ca tài tử, tái hiện nghi thức cung đình xưa...
Tới làng cổ Đông Hòa Hiệp, du khách đắm mình vào không gian sông nước mênh mông, thư giãn trong những vườn cây trái, tìm hiểu nhiều điều thú vị ở những ngôi nhà cổ và cảm nhận rất rõ sự chân tình, hồn hậu, mến khách của người dân miền Tây.
Gửi phản hồi
In bài viết