Đi lên từ gian khó
Dẫn chúng tôi dạo bước trên con đường bê tông sạch đẹp, hai bên lối đi có hàng cau thẳng tắp, một bức tranh nông thôn đậm bản sắc Việt. Đồng chí Nguyễn Lăng Thuận, Trưởng thôn Khuôn Thống cho biết, nhân dân ở đây chủ yếu là người quê gốc xã Cát Quế, huyện Hoài Đức - Hà Nội lên đây xây dựng kinh tế mới từ năm 1963. Trước kia, thôn chỉ có khoảng 20 ngôi nhà, sống thưa thớt, địa hình chia cắt. Con đường ra trung tâm xã nhỏ, hẹp, mùa mưa thì trơn trượt, nắng thì bụi bẩn.
Khó khăn gian khổ là vậy, nhưng người dân vẫn bám đất này để sống. Chi bộ thôn xác định nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Vì vậy, chi bộ đã phân công các đảng viên cùng với cán bộ các đoàn thể tuyên truyền cho bà con thay đổi nhận thức, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, đẩy mạnh thâm canh, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học vào trồng trọt.
Người dân đến tham quan mô hình vườn mẫu của gia đình ông Nguyễn Văn Vinh, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh (Yên Sơn).
Có nhiều hộ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Duy Trang tiên phong mang giống bưởi Cát Quế được ông lấy từ quê lên đây trồng, mở hướng làm giàu cho bà con trong thôn. Ông Trang cho biết, vùng đất này trước đây rất khô cằn, gia đình ông đổ không biết bao công sức xuống đây mà không thoát khỏi cái nghèo. Vì vậy, năm 2010, sau chuyến về quê thăm người thân, ông Trang thấy có giống bưởi quê quả vàng đẹp, vị ngọt thanh mát, róc múi, ông chiết vài cây về trồng thử trên đồng đất Khuôn Thống.
Thấy cây phát triển nhanh lại phù hợp với đất đai, được người dân rất ưa chuộng nên năm 2012, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha đất đồi và soi bãi sang trồng bưởi Cát Quế. Nhờ chăm sóc và áp dụng các biện pháp khoa học, sau 3 năm cây cho bói lứa đầu, ông có thu nhập khá. Rồi ông mở rộng diện tích trồng bưởi, cam với tổng diện tích trên 5 ha, mỗi năm cho thu nhập từ các loại cây ăn quả trên 200 triệu đồng.
Từ mô hình trồng bưởi của ông Trang, nhiều hộ dân trong thôn đã học và làm theo, đến nay người dân trong thôn đã chủ động chuyển đổi gần 160 ha đất đồi, soi bãi sang trồng các loại cây ăn quả có múi mang giá trị kinh tế cao như bưởi Cát Quế, bưởi Diễn, Phúc Ninh, na, cam... Kinh tế phát triển, đời sống của bà con được nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.
Đoàn kết xây dựng thôn mới kiểu mẫu
Từ năm 2012 đến nay, người dân Khuôn Thống đã đóng góp tiền của xây dựng các công trình đáp ứng tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, người dân đã đóng góp trên 250 triệu đồng, hiến trên 3.000 m2 đất hoàn thành làm đường bê tông liên thôn với chiều dài 1,9 km. Năm 2017, thôn được Nhà nước hỗ trợ cấu kiện, nhân dân trong thôn đã xây dựng nhà văn hóa khang trang sạch đẹp, có khuôn viên, sân thể thao với tổng trị giá trên 550 triệu đồng...
Để người dân nhận thức rõ nghĩa vụ, trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, Chi bộ thôn đã lãnh đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất để làm đường làng, ngõ xóm. Đảng viên là những người gương mẫu đi trước, nhân dân làm theo, huy động sức người, sức của trong nhân dân thực hiện các tiêu chí nông thôn kiểu mẫu.
Hiện tại Khuôn Thống đang triển khai nâng cấp tuyến đường bê tông với chiều dài 1,8 km. Các hộ trong thôn tự nguyện đóng góp, những hộ nghèo, khó khăn thì đóng góp ít hơn, hộ có điều kiện thì đóng góp nhiều hơn. Gia đình đảng viên Phan Tiến Hải là một trong 6 hộ của thôn có mức đóng góp làm đường cao nhất thôn với số tiền 20 triệu đồng. Ông Hải phấn khởi chia sẻ, nhờ chủ trương và chính sách hỗ trợ của tỉnh đúng và hợp lòng dân, chúng tôi đồng lòng bỏ tiền, góp sức, hiến đất, không băn khoăn gì cả để xây dựng đường giao thông liên thôn to đẹp hơn, ô tô đi lại thuận tiện.
Chi bộ đã lãnh đạo vận động bà con xây dựng mô hình vườn kiểu mẫu cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình vườn mẫu của hộ ông Nguyễn Văn Vinh là một trong 3 mô hình được xã chọn làm điểm tại thôn. Ông Vinh chia sẻ, khi được chọn làm vườn mẫu, gia đình ông đã quy hoạch lại hệ thống vườn, đầu tư mở rộng diện tích vườn bưởi bằng những giống bưởi tốt như bưởi Da xanh, bưởi Diễn, bưởi đường, trồng thêm các loại cây ăn quả khác như na, nhãn xen kẽ. Gia đình ông thường xuyên vệ sinh khu trồng trọt, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó là sử dụng chế phẩm sinh học cho vườn cây và các loại ngô, thóc, gạo. Nhờ vậy, vườn cây của gia đình ông phát triển tốt, mang lại thu nhập cao. Bình quân mỗi năm, trừ chi phí gia đình thu lãi được gần 200 triệu đồng/năm.
Hiện nay toàn thôn có đến 95% hộ gia đình tập trung trồng các loại cây ăn quả cho thu nhập cao. Kinh tế phát triển, thôn trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của xã. Vì vậy, đời sống bà con trong thôn ngày càng được nâng cao, đến nay toàn thôn có 70% số hộ khá và giàu, thu nhập bình quân đạt gần 55 triệu đồng/người/năm.
Đoạn đường về thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) ngày hôm nay.
Để thực hiện tốt tiêu chí về văn hóa, thôn huy động bà con cùng chung tay xã hội hóa xây dựng công trình điện thắp sáng đường quê; xây dựng khuôn viên, tường rào, công trình vệ sinh nhà văn hóa thôn với tổng trị giá trên 150 triệu đồng. Thôn thành lập được 2 đội bóng chuyền hơi nam, nữ; đội văn nghệ phục vụ bà con vào dịp lễ Tết… Qua bình xét năm 2021, toàn thôn có 97% hộ gia đình văn hóa, 85% số hộ đạt gia đình văn hóa 3 năm liên tục.
Khuôn Thống hôm nay đã được khoác lên chiếc áo mới. Bà Nguyễn Thị Hương, hơn 70 tuổi nói, trải qua bao gian khó, giờ đây quê hương thứ 2 của bà đang thay đổi từng ngày, đường từ thôn ra trung tâm xã đã được bê tông sạch đẹp. Bà cũng như mọi người phấn khởi khi thấy bộ mặt nông thôn khang trang, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của thôn rất sôi nổi.
Đồng chí Nguyễn Tiến Hà, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi nói, Khuôn Thống luôn giữ gìn đoàn kết, người dân cần cù, sáng tạo, giờ trở thành điển hình trên mọi lĩnh vực. Cách làm của bà con nơi đây đang được xã nhân rộng để phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng mang lại giá trị tốt đẹp cho người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết