Động lực để phát triển

- Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh. Đây là quan điểm của Đảng và gần đây đã được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Những thành tựu đã đạt được

Trong 5 năm qua (2020 - 2025), hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đã có gần 100 đề tài/dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp bộ được tổ chức triển khai thực hiện. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; thực hiện chuyển đổi số trong các lĩnh vực... 

Công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực ngày càng được tăng cường và triển khai thực hiện đạt hiệu quả.  Đến nay, tỉnh có 100% cơ quan hành chính nhà nước tại địa phương đã thực hiện công bố hệ thống quản lý chất lượng theo quy định; 100% đơn vị hành chính cấp xã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001.

Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã tích cực triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động y tế dự phòng, khám, chữa bệnh và công tác quản lý nhà nước về y tế. Cụ thể, công tác quản lý văn bản và điều hành văn bản VNPT-ioffice được triển khai từ Sở Y tế đến tất cả các đơn vị trong ngành. Cùng với đó, đến nay 100% cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử thay thế thẻ bảo hiểm y tế; 100% đơn vị đã triển khai việc thanh toán viện phí qua ngân hàng; 100% các bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý thông tin bệnh viện HIS…

Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa là đơn vị y tế đầu tiên của tỉnh triển khai và đưa vào sử dụng bệnh án điện tử. Bác sĩ chuyên khoa II Hà Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa cho biết: “Việc thực hiện bệnh án điện tử trong thời gian qua đã giúp bệnh nhân không phải lo lắng lưu trữ tất cả các loại giấy tờ khám, chữa bệnh kèm theo, hay mất kết quả xét nghiệm. Bên cạnh đó, việc truyền tải dữ liệu người bệnh giữa các khoa cũng nhanh chóng. Khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các khoa sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn”.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh kiểm tra kết quả chụp u gan trên máy.

Hay như tại Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất, chế biến chè Ngân Sơn - Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) thời gian qua đã đổi mới công nghệ ứng dụng, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, chế biến chè để nâng cao chất lượng và năng suất. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến chè Ngân Sơn - Trung Long cho biết: Từ năm 2017, HTX áp dụng công nghệ tưới phun mưa, giúp cây chè phát triển tốt, thu hoạch quanh năm, năng suất tăng 35%, tiết kiệm 30% nước tưới và chi phí chăm sóc. Tưới phun mưa đặc biệt hiệu quả với chè trồng trên nương đồi cao, đảm bảo chất lượng chè ổn định. Hiện HTX quản lý hơn 20 ha chè, sản lượng đạt trên 50 tấn búp tươi/năm, doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho các thành viên.
Mở ra cơ hội lớn

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ngày 20/02/2025 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Chương trình hành động số 70-CTr/TU. Chương trình đề ra 9 nhóm mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó: tỉnh phấn đấu thuộc nhóm 30 địa phương dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố về xếp hạng chuyển đổi số; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh phấn đấu ở mức từ 40% trở lên; tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; 70% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân; 100% tài liệu theo từng ngành, lĩnh vực được số hóa…

Để đạt được mục tiêu, tỉnh đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trọng tâm là: nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy; chủ động rà soát các quy định, cơ chế, chính sách; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gắn với phát triển một số lĩnh vực có thế mạnh, tiềm năng của tỉnh.

Nhằm cụ thể hóa và đưa Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống, tạo những chuyển biến thực chất trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh ta đang tập trung gắn kết chặt chẽ hoạt động KHCN với thực tiễn sản xuất và đời sống. Việc đầu tư vào nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới trong các lĩnh vực chủ chốt như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch và bảo tồn văn hóa sẽ mang lại những lợi ích thiết thực như: trong nông nghiệp, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào giống cây trồng, vật nuôi, quy trình canh tác và bảo quản sau thu hoạch sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cần được khuyến khích và nhân rộng để tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu của tỉnh. Trong công nghiệp chế biến, việc đổi mới công nghệ, tự động hóa quy trình sản xuất sẽ giúp nâng cao hiệu quả, giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra những sản phẩm có chất lượng và mẫu mã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Trong lĩnh vực du lịch, việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR/AR) sẽ mang đến những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn cho du khách, từ khâu tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ đến khám phá các điểm đến. Việc xây dựng các nền tảng số về du lịch, số hóa các di sản văn hóa và lịch sử sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của Tuyên Quang một cách hiệu quả và thu hút du khách…

Theo đồng chí Phạm Ninh Thái, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thì Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu tự chủ và cạnh tranh về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược. Mỗi năm, Nhà nước sẽ dành 15% ngân sách khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để chi cho làm chủ các công nghệ chiến lược. Đây là cánh cửa mở, tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu khoa học của tỉnh phát triển.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục