Cộng tác viên dân số thôn Khuổi Trang, xã Xuân lập (Lâm Bình) tuyên truyền về chính sách Dân số - KHHGĐ
cho các chị em trong thôn.
Thôn Khuổi Trang, xã Xuân Lập (Lâm Bình) có tới 100% số nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 98% là người dân tộc Mông. Điều kiện sống ở đây còn nhiều thiếu thốn, các hộ sống phân tán, vì vậy việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện công tác kế hoạch hóa gia đình gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên, nhờ sự tận tình, trách nhiệm với việc chung của CTV dân số Giàng Thị Quang, Khuổi Trang đã trở thành điểm sáng về công tác này. Đến nay, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ ở thôn đều sử dụng các biện pháp tránh thai, 5 năm liền thôn không có người sinh con thứ ba; tư tưởng trọng nam khinh nữ nay đã được đẩy lùi. Chị Quang bảo: "Đẻ nhiều thì khổ lắm, bọn trẻ không được học hành chu đáo, nên mình đi vận động, bảo đẻ ít thôi, con nào cũng là con. Mình cũng đẻ ít con thôi nên chúng nó nghe theo mình". Dẫu chế độ hỗ trợ thấp nhưng không đong đếm điều đó lắm - chị Quang chia sẻ.
Còn theo chị Nguyễn Thị Ngoạt, CTV dân số thôn Bản Khoan, xã Thượng Nông (Na Hang) với mức phụ cấp chỉ 100.000 đồng/tháng thì không thấm tháp vào đâu so với công việc mà mỗi CTV dân số phải làm. Ở đây, địa bàn rộng, cư dân thưa thớt, có khi đi mấy quả đồi mới đến được một nhà... nếu cứ so đo tính toán thì chả làm được đâu. Vậy nên cũng cần nâng cấp phụ cấp cho đội ngũ CTV dân số, giúp họ bớt đi khó khăn, tạo động lực để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ.
Trước yêu cầu của thực tiễn, ngành Y tế tỉnh đã tiến hành đánh giá, rà soát xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định mức chi bồi dưỡng hàng tháng cho cộng tác viên dân số thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Bác sỹ La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 1.739 CTV dân số. Đây là đội ngũ truyền thông hiệu quả, là mắt xích quan trọng, góp phần làm nên thành công của công tác dân số trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, chế độ bồi dưỡng hàng tháng đối với đội ngũ này còn quá thấp so với yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn, do đó việc ban hành nghị quyết nâng mức bồi dưỡng hàng tháng cho mỗi CTV dân số thôn bản là rất cần thiết. Chủ trương này được dư luận rất đồng tình, ủng hộ.
Ông Ma Văn Phan, Trưởng thôn Nà Khán, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) nói: Mỗi CTV dân số được nhận 100 nghìn đồng/tháng thì thật là... ái ngại. Họ thực hiện công việc là trách nhiệm với thôn bản, với chính cuộc sống của mình, chứ chế độ bồi dưỡng thấp như vậy thì quả thực chưa thỏa đáng. Còn chị Lý Thị Hoa ở Cây Táu, xã Đồng Quý (Sơn Dương) cũng thấy rằng, việc tăng mức bồi dưỡng cho CTV dân số là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay. 100 nghìn đồng thì không thể đủ cho các chi phí xăng xe, giấy tờ, công sức cho CTV dân số thực hiện nhiệm vụ...
Theo dự thảo Nghị quyết quy định, mức chi bồi dưỡng hàng tháng khoảng gần 300 nghìn cho mỗi CTV dân số. Sự điều chỉnh này là hoàn toàn phù hợp với thực tế, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với công tác này, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Gửi phản hồi
In bài viết