Chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng
UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh, ban hành văn bản chỉ đạo về công tác thông tin, tuyên truyền việc lấy ý kiến cử tri và hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, đề án điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn năm 2020 theo quy định. Sở Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với UBND huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình, Yên Sơn lập hồ sơ, Đề án điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn đảm bảo tiến độ. UBND các huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa, Yên Sơn đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri tại các đơn vị hành chính có liên quan trực tiếp đến việc điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn theo đúng quy định hiện hành, đạt tỷ lệ cử tri đồng ý cao. HĐND các huyện, các xã đã tổ chức họp thông qua chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn đạt tỷ lệ đồng ý cao.
Việc xây dựng và hoàn thiện đề án điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn trên cơ sở đánh giá kỹ hiện trạng phát triển của các địa phương trực tiếp điều chỉnh địa giới; tác động đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, đời sống nhân dân và môi trường sau điều chỉnh địa giới hành chính. Đồng thời đề án cũng đưa ra định hướng phát triển và các giải pháp sau điều chỉnh địa giới hành chính.
Cán bộ Sở Nội vụ thuyết minh với Đoàn công tác liên ngành Trung ương về phương án điều chỉnh
địa giới hành chính huyện Lâm Bình và thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình.
Huyện ủy, UBND huyện các huyện đã triển khai đồng bộ kế hoạch xây dựng hồ sơ, đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện. Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện đã họp, phân công nhiệm vụ cho các đồng chí Thường trực Huyện ủy trực tiếp phụ trách các xã để thực hiện các nội dung xây dựng hồ sơ, đề án điều chỉnh địa giới hành chính. Các huyện đã thành lập tổ công tác chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền thực hiện việc điều chỉnh địa giới hành chính. Các địa phương liên quan đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp cung cấp thông tin xây dựng hồ sơ, đề án điều chỉnh địa giới hành chính.
Đảng bộ các xã đã tổ chức hội nghị BCH Đảng bộ xã mở rộng để quán triệt tới cán bộ, đảng viên về nội dung điều chỉnh địa giới hành chính. Các chi bộ, thôn tổ chức họp toàn thể đảng viên và nhân dân để thông báo, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong đảng viên và nhân dân. UBND xã đã tổ chức lấy ý kiến cử tri về việc điều chỉnh địa giới hành chính đạt tỷ lệ cử tri đồng thuận cao. Việc tổ chức kỳ họp HĐND cấp huyện, tỉnh thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính cũng đã được thực hiện đúng quy định với sự nhất trí cao.
Sự cần thiết điều chỉnh địa giới
Cho đến nay, việc điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn đều được các bộ, ngành Trung ương và nhân dân đánh giá là cần thiết. Bởi việc điều chỉnh địa giới hành chính vừa phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 vừa tạo điều kiện cho các địa phương có thêm nguồn lực phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo đời sống người dân, đảm bảo an ninh trật tự và mang lại sự thuận lợi trong công tác quản lý.
Đặc điểm kinh tế - xã hội, văn hóa của hai xã Phúc Sơn, Minh Quang có nhiều nét tương đồng với các xã Thổ Bình, Bình An, Hồng Quang của Lâm Bình nên sau khi sáp nhập sẽ có nhiều thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Ở Phúc Sơn và Minh Quang có nhiều danh lam thắng cảnh có thể khai thác để phát triển du lịch như vùng rừng nguyên sinh Tầng, Biến, hang Bó Ngoặng. Ngoài ra, Phúc Sơn và Minh Quang có tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp hàng hóa, trong đó có cây lạc đặc sản. Nếu sáp nhập về với Lâm Bình, địa hình sẽ không bị chia cắt, thuận lợi để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô và phát triển du lịch theo tua, tuyến. Đồng chí Ma Văn Tinh, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sơn cho rằng, việc sáp nhập xã về với huyện Lâm Bình là phù hợp, tạo thêm động lực để Phúc Sơn vươn mình trong thời gian tới.
Đồng chí Hoàng Trung Thông, Chủ tịch UBND xã Thắng Quân (Yên Sơn) cho rằng, việc thành lập thị trấn Yên Sơn trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã Tứ Quận, Lang Quán và toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Thắng Quân là phù hợp và thực sự cần thiết. Bởi khi thị trấn được thành lập sẽ giữ vai trò là trung tâm hành chính, đô thị tổng hợp của huyện về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế đầu mối giao thông, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Yên Sơn.
Theo đồng chí Trịnh Thị Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Nội chính, Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc thành lập thị trấn Lăng Can thuộc huyện Lâm Bình và thành lập thị trấn Yên Sơn thuộc huyện Yên Sơn là cần thiết, đảm bảo tiêu chí có ít nhất một thị trấn đối với một huyện. Việc điều chỉnh địa giới hành chính mang tầm nhìn xa đối với sự phát triển chung của tỉnh và mỗi huyện.
Người dân đồng thuận cao
Đề án điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều đó thể hiện qua việc biểu quyết của HĐND tỉnh, huyện, việc lấy ý kiến cử tri đều đạt tỷ lệ đồng thuận cao. Ông Lý Đức Hà, Trưởng thôn Bó Ngoặng, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) cho biết, khi thôn tổ chức lấy ý kiến cử tri về việc điều chỉnh địa giới hành chính, đưa xã Phúc Sơn về huyện Lâm Bình quản lý, tỷ lệ cử tri đồng ý chiếm trên 90%. Mọi thắc mắc, băn khoăn của nhân dân như về chế độ, chính sách, công tác khám, chữa bệnh, thay đổi thông tin cá nhân đều được cán bộ giải thích, tuyên truyền cặn kẽ nên nhân dân đều nhất trí cao. Ông Hà tin tưởng rằng, khi Phúc Sơn được đưa về huyện Lâm Bình quản lý, đời sống người dân sẽ có nhiều đổi thay, nông nghiệp hàng hóa và du lịch chắc chắn sẽ phát triển một cách đồng bộ hơn.
Còn đồng chí Đinh Tuyên Huấn, Bí thư Chi bộ thôn Minh Phong, xã Thắng Quân cho biết, khi biết chủ trương thành lập thị trấn Yên Sơn trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Thắng Quân và một phần của xã Tứ Quận, Lang Quán, người dân trong thôn rất vui mừng. Vì đây là nguyện vọng bấy lâu nay của nhân dân. Tỷ lệ cử tri trong thôn đồng thuận chiếm 100%. Theo ông Huấn, khi thành lập thị trấn, người dân sẽ tiêu thụ hàng hóa được thuận lợi hơn, dịch vụ, thương mại cũng phát triển, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. Không chỉ đời sống của người dân xã Thắng Quân được nâng lên mà các xã lân cận cũng theo đó mà phát triển.
Với sự đồng thuận cao của nhân dân cùng với sự cần thiết, tính tất yếu phải điều chỉnh địa giới hành chính đã cho thấy một viễn cảnh phát triển trong tương lai ở những nơi sau khi được điều chỉnh địa giới hành chính. Đó cũng chính là nguyện vọng lớn mà cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh mong đợi.
Gửi phản hồi
In bài viết