Vòng đàm phán hòa bình thứ 6 giữa Chính phủ Colombia và ELN tại Cuba. Ảnh: AGENCIES EFE
Cộng đồng quốc tế thời gian qua khẳng định luôn đồng hành, sát cánh với Colombia trên hành trình tìm kiếm hòa bình và ổn định tại quốc gia Nam Mỹ, dù con đường này còn nhiều gian truân.
Đóng vai trò là “chất xúc tác” quan trọng giúp đẩy nhanh tiến trình hòa bình tại Colombia, cộng đồng quốc tế luôn bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ thái độ thiện chí đối thoại của các bên, đồng thời đưa ra những hỗ trợ cần thiết. Mới đây, Cuba đã chấp thuận đồng hành cùng tiến trình đối thoại hòa bình giữa Chính phủ Colombia và nhóm Segunda Marquetalia, nhóm bất đồng chính kiến tách ra từ Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC).
Theo Bộ Ngoại giao Cuba, Chính phủ của Tổng thống Colombia Gustavo Petro và nhóm vũ trang Segunda Marquetalia, do ông Ivan Marquez đứng đầu, đã ký thỏa thuận khởi động một tiến trình hòa bình và đề nghị Cuba hỗ trợ. Trong nhiều năm qua, Cuba từng nhiều lần đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán để chấm dứt xung đột tại Colombia, thể hiện tốt vai trò là cầu nối hòa bình cho quốc gia Nam Mỹ này.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cách đây không lâu cũng ra thông cáo tái khẳng định sự hỗ trợ đầy đủ và tuyệt đối đối với tiến trình hòa bình ở Colombia. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 2694 về mở rộng nhiệm vụ của Phái bộ Giám sát Liên hợp quốc tại Colombia, cho phép bổ sung thêm 68 quan sát viên quốc tế và các thành phần dân sự phù hợp vào lực lượng đương nhiệm của phái bộ.
Một nền hòa bình, ổn định lâu dài là niềm mong mỏi chung của không chỉ người dân Colombia mà cả cộng đồng quốc tế. Kể từ khi nhậm chức vào năm 2022, Tổng thống Colombia Gustavo Petro không ngừng tiến hành các cuộc đối thoại với các nhóm vũ trang, trong đó có Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN) và Estado Mayor Central (EMC), nhóm bất đồng chính kiến của FARC.
Nhiều kết quả thực chất đã đạt được. Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang ELN mới đây đạt được thỏa thuận gia hạn lệnh ngừng bắn song phương thêm sáu tháng, chỉ ít phút trước khi lệnh đình chiến này hết hiệu lực vào ngày 29/1/2024.
ELN cam kết trong thời gian đình chiến sẽ “đơn phương và tạm thời đình chỉ các vụ bắt giữ có yếu tố kinh tế”. Đây là quyết định chưa từng có của nhóm vũ trang này. Trong khi đó, nhóm vũ trang EMC cho biết đã yêu cầu các lực lượng của nhóm này ngừng hành động tấn công lực lượng an ninh trên toàn bộ lãnh thổ Colombia, nhằm tạo điều kiện cho các cuộc hòa đàm.
Tuy vậy, hành trình tìm kiếm hòa bình ở quốc gia Nam Mỹ vẫn còn nhiều chông gai. Nhà hoạt động xã hội Andres Chica ở vùng Cordoba cho rằng, tiến trình hòa bình do Tổng thống Colombia Gustavo Petro khởi xướng đang vấp phải trở ngại, trong đó các nhóm vũ trang lợi dụng lệnh ngừng bắn với chính phủ để mở rộng ảnh hưởng, chiếm thêm địa bàn và tuyển mộ thành viên mới.
Trên thực tế, tình hình bạo lực ở Colombia hiện có xu hướng gia tăng. Ngoài ra, dù các nhóm phiến quân đã nhất trí về thỏa thuận ngừng bắn với Chính phủ Colombia, song việc các bên có thực thi thỏa thuận một cách nghiêm túc và có trách nhiệm hay không cũng là một vấn đề. ELN gần đây tuyên bố triển khai “cuộc tấn công vũ trang vô thời hạn” tại một khu vực nghèo khó ở phía tây bắc Colombia, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn song phương vừa đạt được với chính phủ.
Chính phủ Colombia cũng cần tăng cường hơn nữa cuộc chiến chống tội phạm ma túy, vốn đang đẩy người dân vào vòng xoáy bất ổn, hiểm nguy và ảnh hưởng nghiêm trọng tình hình an ninh quốc gia. Tổng thống Colombia Gustavo Petro đã công bố chiến lược quốc gia mới về phòng chống ma túy được triển khai đến năm 2033, trong đó ưu tiên giúp đỡ người dân từ bỏ các hoạt động kinh tế bất hợp pháp để chuyển sang hoạt động kinh tế hợp pháp, quản lý môi trường, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Dù gặp nhiều trở ngại, Chính phủ Colombia vẫn nỗ lực tìm kiếm đối thoại với các nhóm vũ trang và triển khai chính sách phát triển kinh tế, đẩy lùi bạo lực. Sự giúp đỡ, đồng hành của cộng đồng quốc tế chính là động lực giúp các nhà lãnh đạo Colombia tiếp tục bền bỉ bước đi trên hành trình gian nan mang đến hòa bình lâu dài cho quốc gia Nam Mỹ này.
Gửi phản hồi
In bài viết