Sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa
Là một trong những xã trọng điểm kinh tế lâm nghiệp của huyện Hàm Yên, Thành Long đã sớm có kế hoạch phát triển kinh tế từ trồng rừng sản xuất. Đồng chí Nguyễn Công Lý, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, toàn xã có 4.500 ha rừng, trong đó có gần 200 ha rừng tự nhiên, trên 1.700 ha rừng của công ty lâm nghiệp, 2.118,6 ha rừng sản xuất của nhân dân.
Rừng đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân nên xã đã vận động người dân thực hiện 100% trồng và chăm sóc và đăng ký chuẩn FSC để nâng cao giá trị kinh tế. Kết thúc 2022, toàn bộ 2.118,6 ha rừng sản xuất của xã có chứng nhận FSC, dẫn đầu huyện Hàm Yên về diện tích rừng được cấp chứng nhận FSC. Riêng năm 2022, toàn xã đã khai thác được 17.000 m3 gỗ, thu về 20 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ gia đình ở Thành Long thu nhập vài trăm triệu từ rừng khá lớn.
Vừa nói ông Thôi Văn Quán, thôn Trung Thành 1 vừa dẫn tôi đi xem đồi cây keo tầm 6 năm tuổi, đang phát triển xanh tốt. Chỉ tay lên rừng keo trước mặt ông bảo, diện tích rừng trên 2 ha này có thể khai thác được nhưng ông muốn được gỗ, được giá nên ít nhất phải đủ 9 tuổi mới bán. Lúc ấy, 1 ha có thể tăng từ 30 - 40 triệu đồng, tùy từng lô rừng. Đầu năm 2022 này, ông vừa khai thác 2,7 ha, thu được 240 triệu đồng, trừ chi phí còn lời 140 triệu đồng.
Ông Quán cho biết, với tổng diện tích trên 20 ha rừng của gia đình, bình quân mỗi năm khai thác từ 4 - 5 ha thì thu được trên dưới 300 triệu đồng. Gia đình ông đã có giấy chứng nhận FSC việc bán rừng được giá hơn do các nhà máy trong tỉnh xuất khẩu phải có nguồn gốc gỗ rừng trồng đạt tiêu chuẩn thế giới. Từ trồng rừng gia đình ông có cuộc sống khấm khá.
Tuyến đường từ thôn Loa đi thôn Thành Công 2, xã Thành Long được bê tông khang trang.
Cùng với thế mạnh rừng, sản xuất nông nghiệp ở Thành Long đã đổi mới nhiều so với trước. “Giờ nhắc đến Thành Long, người ta kháo nhau gà thiến ở đó ngon lắm, cà chua sạch nhiều lắm!” Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Công Lý phấn khởi. Đây đúng là hai đặc sản nông nghiệp của xã. Cà chua Thành Long vừa đạt OCOP 3 sao của tỉnh năm 2022. Gà thiến thả đồi Thành Long đang được xã xây dựng nhãn hiệu, kỳ vọng sẽ là sản phẩm OCOP thứ 2 của xã trong năm tới. Ông Lý giải thích, gà thiến ở đây là giống gà bản địa, mình tròn, chân ngắn và đặc biệt được nuôi thả trên các đồi keo nhiều mối, các loại lá rừng nên gà có thịt thơm ngon. Tết vừa rồi còn không đủ gà cung cấp cho thị trường.
Xã duy trì trên 50.000 con gia cầm, trong đó riêng đàn gà thiến khoảng 32.000 con. Nhiều gia đình đã nuôi theo hướng hàng hóa từ 200 - 500 con, như hộ gia đình ông Đặng Văn Bình, thôn Phúc Long 1; Trần Văn Hạm, thôn Đoàn Kết; Lương Văn Cấn, thôn Thành Công 2.
Ông Đặng Văn Bình, thôn Phúc Long chia sẻ, gà thiến là vật nuôi truyền thống của người Cao Lan. Trước đây, gia đình chỉ nuôi để dùng nhưng giờ đã phát triển thành hàng hóa. Với giá bán 150 nghìn đồng/kg thì mỗi năm thu khoảng 100 triệu đồng.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã Thành Long đã chủ động tìm mối liên kết với các hợp tác xã trong tỉnh, hợp đồng liên kết trồng dưa chuột. Vụ xuân này, xã đã liên kết trồng 15 ha dưa chuột.
Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng dưa chuột bắt đầu cho thu hoạch tại thôn Loa, anh Nguyễn Văn Được, Bí thư chi bộ, trưởng thôn cho biết: “Thôn có 33 hộ trồng 2,86 ha dưa chuột theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm. Hiện đang bán với giá 12 nghìn/kg. Có nhà 1 ngày thu 5 - 6 tạ, phấn khởi lắm”. Anh Được kể câu chuyện cách đây 2 năm đưa dưa về trồng, bản thân anh và đảng viên ở thôn phải tiên phong, khi thấy được thu người dân mới làm theo. Cùng với người dân làm, anh Được còn là “bác sĩ” chữa bệnh trên những ruộng dưa.
Chị Hoàng Thị Mai, buộc ngọn dưa lên sào bảo, nhờ có Trưởng thôn Được mà người dân có nguồn thu từ đồng ruộng. Giờ tính nhanh, 3 sào dưa nhà chị cũng thu ngót 100 triệu đồng/năm.
Diện mạo mới
Về Thành Long hôm nay, điều mọi người cảm nhận được là sự thay đổi về hạ tầng nông thôn với những con đường được mở rộng, bê tông hóa; những cây cầu bắc qua suối được cứng hóa, trường học, trụ sở làm việc của xã được đầu tư xây dựng khang trang. Đó là động lực to lớn để cấp ủy, chính quyền, nhân dân trong xã xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND xã Thành Long, Nguyễn Công Lý khoe, xã vừa mới mở rộng tuyến đường từ trung tâm xã đi thôn Đoàn Kết dài trên 1 km, rộng từ 4 m lên 7,5 m từ nguồn xã hội hóa và nhân dân hiến đất mở rộng đường, tính kinh phí khoảng trên 1 tỷ đồng. Việc mở rộng đường không chỉ tạo mỹ quan đẹp cho trung tâm xã mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Hiện trên địa bàn xã còn 2 tuyến đường huyện chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp. Thời gian tới 2 tuyến này được làm thì giao thông của xã sẽ hoàn thiện.
Từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, năm 2022 Thành Long được đầu tư tuyến đường liên thôn từ thôn Loa đi thôn Thành Công 2 dài trên 2 km. Trưởng thôn Thành Công 2 Lương Văn Quyết phấn khởi bảo: “Tuyến đường này độc đạo vào thôn, nhiều năm qua đi lại vất vả, nay được đổ bê tông sạch sẽ, người dân mừng lắm! Đây sẽ là động lực để người dân phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới”. Ý thức được đường giao thông mở đến đâu cuộc sống ở đó phát triển, người dân thôn Thành Công 2 đã hiến trên 2.000 m2 đất để thi công tuyến đường, điển hình như hộ gia đình bà Hoàng Thị Mão, hiến trên 700 m2 đất vườn ruộng; ông Trần Quốc Khánh, Lương Văn Mạnh hiến trên 200 m2 đất vườn...
Đến nay, xã Thành Long đã có trên 80% đường thôn, bản được bê tông hóa, có 4 cầu dân sinh được đầu tư cứng hóa. Ông Lý cho rằng, nguồn đầu tư của Nhà nước cho xã vùng 135 đã giúp xã Thành Long có được hạ tầng cơ sở ngày một tốt hơn. Đây là động lực để nhân dân trong xã nỗ lực thực hiện xây dựng thôn mới. Bức tranh nông thôn mới ở Thành Long đang hình thành từng ngày.
Gửi phản hồi
In bài viết