Hội nghị nhằm đưa ra những giải pháp thiết thực để thu hút lượng khách Trung Quốc, vốn là thị trường số 1 của du lịch Việt Nam một cách an toàn, hiệu quả.
Việc làm cấp bách
Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong giai đoạn trước dịch Covid-19, Trung Quốc là thị trường du lịch outbound lớn nhất thế giới, mang lại nguồn thu chiếm tới 20% doanh thu du lịch toàn cầu. Vì thế, việc Chính phủ Trung Quốc mở cửa các cửa khẩu quốc tế từ ngày 8-1-2023 đã tạo ra hiệu ứng tích cực cho du lịch toàn cầu.
Toàn cảnh hội nghị
Với riêng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất, cả về inbound và outbound. Năm 2019, Việt Nam đón 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm gần 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam) và số người dân Việt Nam đi du lịch Trung Quốc (đạt khoảng 4,5 triệu lượt) cũng đứng đầu danh sách khách outbound của Việt Nam.
Đồng quan điểm này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh nhận định, khi các cửa khẩu đường bộ, đường biển được mở, đường bay thương mại giữa hai nước được nối lại, kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội lớn cho các hoạt động du lịch quốc tế của toàn ngành.
“Việt Nam và Trung Quốc có chung đường biên giới đường bộ, đường biển. Quan hệ hai nước về chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa... được chú trọng, củng cố là những điều kiện cho hợp tác phát triển du lịch trao đổi khách giữa hai nước”, ông Nguyễn Trùng Khánh phân tích.
Nhận định Trung Quốc là thị trường du lịch lớn cần phải ngay lập tức có các giải pháp thu hút hiệu quả, các cơ quan quản lý du lịch Việt Nam cũng phân tích những tồn tại trong việc khai thác thị trường này, từ đó đưa ra bài toán cần khắc phục.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, trước đây, việc đón khách Trung Quốc còn tình trạng xuất hiện tour giá rẻ (thường gọi là tour 0 đồng), kinh doanh núp bóng, hiện tượng lừa đảo trong mua bán hàng hóa... đã làm cho việc đón và phục vụ khách Trung Quốc ở nhiều nơi lộn xộn, ảnh hưởng đến thương hiệu Du lịch Việt Nam, gây thiệt hại cho ngành du lịch và hình ảnh đất nước.
Ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định, 3 năm đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều thay đổi nội tại ngành du lịch. Bên cạnh đó, đối tượng khách hàng, trong đó có du khách Trung Quốc đã thay đổi thói quen, nhu cầu, sở thích, cũng như phương thức tiếp cận.
“Chúng ta cần có những biện pháp vừa đón, phục vụ khách du lịch được chu đáo, cung cấp dịch vụ đa dạng, chất lượng, vừa phải đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch bệnh”, ông Nguyễn Trùng Khánh nói.
Đơn giản thủ tục, bảo đảm phòng dịch
Tại Hội nghị, các đại biểu, các đơn vị hàng không, lữ hành đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để đón “thị trường khách số 1” của Việt Nam một cách hiệu quả, chất lượng, an toàn phòng dịch.
Trung Quốc mở cửa cửa khẩu quốc tế từ ngày 1-8 (Ảnh TTX tại cửa khẩu Móng Cái).
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, cần sớm phục hồi mạng lưới các đường bay thường lệ, charter (bay trọn chuyến) có triển vọng từ Trung Quốc đến các thị trường Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc (Kiên Giang).
“Các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam phải liên kết hình thành đa dạng các nhóm sản phẩm từ giá rẻ đến cao cấp để phục vụ các đối tượng khách. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phối hợp đồng bộ công tác xúc tiến thị trường, truyền thông khách Trung Quốc đến Việt Nam”, ông Cao Trí Dũng nói.
Còn theo đại diện hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), để đón được lượng khách Trung Quốc một cách sớm và hiệu quả nhất, Việt Nam cần đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh ở tất cả cửa khẩu đường bộ, hàng không và sớm có thông báo chính sách nhập cảnh với khách du lịch Trung Quốc; kiểm soát giá dịch vụ.
Tới đây, Vietnam Airlines sẽ tổ chức các đoàn famtrip (khảo sát) cho doanh nghiệp Trung Quốc đến Việt Nam để khảo sát lại địa điểm; tổ chức các gian hàng quảng bá du lịch Việt Nam tại hội chợ Expo Quảng Châu trong năm 2023…
Là địa phương có đường biên giới giáp với Trung Quốc, năm 2019 đón 75.000 lượt khách Trung Quốc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thủy đề xuất, cần xem xét cơ chế đặc thù với việc đón khách Trung Quốc tại các cửa khẩu; thống nhất giải pháp đón khách cho các doanh nghiệp để tránh tình trạng những tour “0 đồng” chất lượng kém, tour trốn thuế.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thế Huệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần thường xuyên có hoạt động thanh, kiểm tra các doanh nghiệp lữ hành về năng lực đón khách, tránh tồn tại những doanh nghiệp trá hình, hoạt động chui không bảo đảm phục vụ khách.
Tại hội nghị, rất nhiều doanh nghiệp lữ hành ở những địa phương có thị trường lớn từ Trung Quốc như Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa), Quảng Ninh, Hải Phòng… cũng đề xuất các giải pháp cần phải thực hiện ngay như: Sớm thông báo chính sách visa, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh, tạo môi trường du lịch lành mạnh, xây dựng sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách Trung Quốc, tăng cường quảng bá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Các cửa khẩu tại Việt Nam - Trung Quốc đã mở trở lại từ ngày 8-1, hoạt động du lịch sẽ sớm được nối lại. Trước sự cạnh tranh lớn với các nước trong khu vực, việc lên phương án chuẩn bị đón khách Trung Quốc lúc này được xem là thiết thực để Việt Nam nhanh chóng thu hút được nguồn khách từ thị trường lớn một cách an toàn, hiệu quả.
Gửi phản hồi
In bài viết