Giống, vật tư tăng giá
Chỉ còn 1 tháng nữa là đến lịch xuống giống chuẩn bị sản xuất vụ xuân 2023, ông Nguyễn Văn Học, thôn Đa Năng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) thu xếp công việc để đi mua lúa giống. Nhìn bảng niêm yết giá tại đại lý cung ứng giống trên địa bàn, ông Học phân vân bởi nhiều loại giống có giá cao hơn năm trước từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Ông Học chia sẻ “Nhà tôi làm 1,5 mẫu ruộng, cần gần 20 kg thóc giống. Năm trước, thóc giống BC15 có giá 32 nghìn đồng/kg nhưng nay tăng lên 35 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, các loại giống như: Thái Bình, Thiên Ưu 8, J02… cũng tăng từ 2 - 3 nghìn đồng/kg”.
Chung nỗi lo lắng, bà Phạm Thị Quang, thôn Nà Tàng, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) cấy cả lúa thuần và lúa lai để chăn nuôi. Theo bà Quang không chỉ giá lúa giống tăng, giá vật tư phân bón cũng tăng hơn so với cùng kỳ. Hiện 1 bao phân bón lót có giá 170 nghìn/bao 25 kg, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước; phân bón thúc là đạm URE đã lên trên 900 nghìn/bao 50 kg, tăng so với vụ trước.
Bà Phan Thị Sâm, chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp tại tổ 3, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, hàng năm, vào đầu vụ xuân, nhu cầu sử dụng các loại phân bón của người dân tăng cao. Để phục vụ sản xuất, đầu vụ, cửa hàng nhập hơn 10 tấn phân bón, 1 tấn giống các loại. Hiện giá phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 5 - 10% tùy loại. Giá giống lúa năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 10%. Tuy nhiên, hiện tại, nguồn giống do cửa hàng lấy về từ các cơ sở uy tín vẫn đảm bảo đầy đủ cho bà con sản xuất vụ xuân.
Ngành chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp tại tổ 3, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang).
Năm nay, thị trường giống lúa vụ chiêm xuân tương đối đa dạng, phong phú, với sự xuất hiện của nhiều giống lúa lai, lúa thuần mới chất lượng cao, chịu thâm canh, gạo ngon, thời gian sinh trưởng ngắn, như: Bắc Hương, Hương Ưu 98, TBR 225, TBR 45, Thiên Ưu 8, NH 6...
Để đáp ứng đủ giống cho gần 18.000 ha gieo cấy vụ chiêm xuân năm nay, toàn tỉnh cần tới gần 1 nghìn tấn giống lúa lai, lúa thuần các loại. Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 1.084 cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con nông dân. Nhìn chung, thị trường tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoặc sốt giá. Một số đơn vị sản xuất giống trong nước đã chủ động sản xuất nhiều loại giống lúa thuần, lúa lai chất lượng cao, nên không chỉ giảm được sự phụ thuộc nguồn giống nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, mà còn góp phần đáng kể vào việc bình ổn thị trường và giảm chi phí đầu vào cho bà con nông dân.
Đảm bảo đủ giống, bình ổn giá
Ông Phạm Văn Tuyển, Công ty cổ phần Giống, vật tư nông, lâm nghiệp Tuyên Quang cho biết, là đơn vị cung ứng giống chủ lực của tỉnh, công ty đã chuẩn bị đủ các bộ giống, sẵn sàng cung ứng cho người dân sản xuất đảm bảo khung lịch thời vụ. Hiện công ty đã nhập về gần 80 tấn các loại giống lúa theo cơ cấu của tỉnh để cung ứng cho khách hàng. Trong đó, giống lúa lai có 30 tấn gồm các loại Nhị Ưu 838, Tạp giao 1, Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, MHC2, GS9, lúa nếp N97 và khoảng 50 tấn lúa thuần gồm lúa Thái Bình, KM18, TBR 225, Đài Thơm 8, Bắc Hương 9, J02, VNR20… theo nhu cầu đăng ký của bà con nông dân. Giống lúa đều đã được kiểm định đảm bảo quy chuẩn chất lượng phục vụ sản xuất. Cũng theo ông Tuyển, hiện tại giá các loại giống có tăng nhưng không đáng kể.
Đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh cho biết, trước diễn biến của giá cả thị trường vật tư nông nghiệp, ngành nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành tăng cường xây dựng các phương án, giải pháp chỉ đạo sản xuất nông nghiệp gắn với thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Hướng dẫn người dân sử dụng giống, bón phân theo đúng khuyến cáo nhằm giảm chi phí sản xuất.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về việc chấp hành pháp luật đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật tư, phân bón trên địa bàn. Việc kiểm tra, giám sát các loại phân bón tại các cửa hàng, đại lý được triển khai thường xuyên, đặc biệt là vào thời điểm trước mỗi vụ sản xuất nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, làm ảnh hưởng đến vụ sản xuất. Các địa phương chỉ đạo cán bộ hướng dẫn nông dân gieo trồng đảm bảo theo khung thời vụ đối với từng loại cây trồng; thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật từ khâu gieo trồng đến chăm sóc, thu hoạch để có một vụ đông xuân bội thu…
Lịch sản xuất vụ xuân 2023 đã được UBND tỉnh ban hành, theo đó mạ gieo từ ngày 30-12-2022 đến ngày 03-01-2023, cấy từ ngày 25-01-2023 đến ngày 31-01-2023. Khuyến cáo 100% diện tích mạ phải được phủ nilon đúng kỹ thuật, căn cứ vào dự báo thời tiết ngắn hạn để chỉ đạo thời điểm ngâm ủ giống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.
Gửi phản hồi
In bài viết