Theo Thạc sĩ An Thu Trà - Trưởng phòng Truyền thông và Giáo dục, có khoảng từ 1000 đến 1200 lượt khách tham quan mỗi ngày, những ngày cuối tuần lượng khách tham quan có thể tăng gấp đôi. Số lượng khách tham quan sau dịch được đánh giá là rất đông so với thời điểm trước khi dịch bệnh diễn ra.
“Khoảng thời gian tháng 6 năm ngoái, thông thường đây là mùa thấp điểm nhất của bảo tàng, lượng khách đến tham quan rất vắng. Tuy nhiên năm nay có sự khác biệt, nhu cầu tham quan của du khách sau Covid-19 tăng nhanh cũng bởi vì sau một thời gian dài ở nhà, ai cũng muốn được ra ngoài để tìm hiểu văn hóa, học hỏi nên số lượng khách rất đông”, chị Trà chia sẻ thêm.
Trước khi dịch, số lượng khách đến tham quan Bảo tàng luôn ở mức ổn định. Dịch bệnh kéo dài, bảo tàng phải đóng cửa nhiều tháng liền. Để có thể duy trì hoạt động của bảo tàng, các cán bộ nhân viên đã nỗ lực rất nhiều trong việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông, tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa sau dịch.
Vào dịp Tết Trung thu, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm thu hút du khách và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây là dịp để các cháu thiếu nhi đến bảo tàng tham quan cũng như có các hoạt động trải nghiệm thực tế : giới thiệu cách làm các món đồ chơi trung thu truyền thống, làm con giống đất nặn, tham gia múa lân,...
Ngoài ra, bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hiện đang là nơi lưu trữ và trưng bày nhiều hiện vật của 54 dân tộc Việt Nam, gồm 15.000 hiện vật, trong đó nổi bật nhất như : Cồng chiêng Tây Nguyên, Lễ cấp sắc người Dao Đỏ ở Yên Bái, xe trâu của người Chăm,... Lễ cấp sắc của người Dao đỏ
Bạn Đặng Hồng Nhung, du khách tham quan đến từ Lào Cai cho biết :“ Tôi rất ấn tượng với văn hóa của dân tộc Mường. Vì đang là sinh viên nên tôi chưa thể có điều kiện để khám phá nhiều nơi, lựa chọn đến Bảo tàng là lựa chọn đúng đắn để tôi có thể khám phá, học hỏi văn hóa đa dạng của các dân tộc”.
Ngoài khách tham quan trong nước, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam còn thu hút sự quan tâm của các du khách nước ngoài. Đa số các khách nước ngoài đến đây đều ấn tượng với những nét văn hóa độc đáo của người Việt.
Chị Maki (Nhật Bản) chọn Việt Nam là điểm đến cho chuyến du lịch cùng con trai. Chị chia sẻ rằng chắc chắn sau chuyến đi này con trai của mình sẽ học hỏi thêm được rất nhiều điều. “ Tôi không nghĩ Việt Nam lại có nhiều nét văn hóa độc đáo đến vậy. Tôi nhất định sẽ quay trở lại Việt Nam và đến thăm Tây Nguyên vào một ngày không xa”, chị Maki nói.
Thạc sĩ An Thu Trà cho biết :“ Hiện nay Bảo tàng liên tục tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch, đa dạng hóa các gói hoạt động khác nhau. Đặc biệt, chúng tôi có các gói kích cầu du lịch, giới thiệu về văn hóa của người Việt Nam và văn hóa các nước trong khu vực cho du khách Việt Nam cũng như du khách quốc tế”.
Gửi phản hồi
In bài viết