Tuyến cáp biển quốc tế AAE-1 (Asia-Africa-Europe 1) đã bị sự cố lúc 7h19 ngày 4-9 trên nhánh S1H, gây ảnh hưởng đến quá trình kết nối internet từ Việt Nam đi Singapore; đến 8h26 ngày 7-9, AAE-1 tiếp tục bị sự cố trên hướng kết nối đi Hồng Kông (Trung Quốc).
Như vậy, với thông tin nêu trên, sau 2 tháng nữa, tuyến cáp quang biển AAE-1 mới khôi phục 100% dung lượng và hoạt động bình thường trở lại. Trong điều kiện nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg thì nhu cầu làm việc, đặc biệt là học tập trực tuyến (online) của học sinh, sinh viên tăng mạnh, sự cố đứt cáp và chậm sửa chữa sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học, làm việc khi người dùng sử dụng các ứng dụng Ms Team (Microsoft), Google, Zoom...
Theo đại diện Tổng công ty Mạng lưới Viettel (Viettel Net), sau hai sự cố trên tuyến AAE-1, Viettel nhanh chóng điều chỉnh lưu lượng bổ sung từ các hướng cáp biển như IA, APG, AAG và cáp quang trên đất liền. Viettel đã bổ sung khoảng 1.600 Gbps dung lượng băng thông để bảo đảm chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
Còn theo Tổng công ty Hạ tầng mạng VNPT (VNPT Net), cả hai sự cố trên tuyến AAE-1 khiến VNPT bị mất hơn 1.300 Gbps dung lượng internet quốc tế. Do vậy, để giảm thiểu thiệt hại tới khách hàng, VNPT đã chủ động định tuyến khách hàng, ưu tiên sang các tuyến cáp biển đang hoạt động ổn định như AAG, SMW3, APG, IA và tuyến cáp trên đất liền CSC; đồng thời đẩy nhanh tiến độ mở thêm dung lượng trên tuyến cáp biển APG.
Đại diện các nhà mạng cho biết, việc khắc phục, sửa chữa kéo dài do ban quản lý tuyến cáp biển quốc tế thực hiện và do đặc thù công việc diễn ra trên biển, nên quá trình triển khai phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, việc sửa chữa phải xác định chính xác nguyên nhân, địa điểm xảy ra sự cố; sau đó còn phụ thuộc vào thời tiết (trên biển tại khu vực xảy ra sự cố) để tàu sửa chữa hoạt động; đặc biệt là thủ tục xin giấy phép trong bối cảnh các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực đều chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên việc làm thủ tục tốn thêm thời gian khi việc ra, vào phải thực hiện cách ly theo quy định nước sở tại... Do đó, thời gian xử lý các sự cố cáp biển thường kéo dài hơn, thậm chí lâu hơn thời gian dự kiến.
Về sử dụng các ứng dụng công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã khuyến nghị người dùng nên lựa chọn các ứng dụng học trực tuyến, họp, làm việc trực tuyến của doanh nghiệp trong nước, là các nền tảng "Make in Vietnam" do doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển, đặt máy chủ trong nước sẽ không bị ảnh hưởng, phụ thuộc vào chất lượng internet kết nối đi quốc tế...
Cũng theo đại diện nhà mạng, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia America Gateway) trước đó bị sự cố phát sinh ngày 11-8 trên nhánh S1B và dự kiến đến ngày 26-9, đơn vị quản lý sẽ sửa chữa xong. Được biết, các nhà mạng hầu như không bị ảnh hưởng từ sự cố này.
Gửi phản hồi
In bài viết