Quang cảnh Hội nghị.
Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, ngành du lịch ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng nhảy vọt về số lượng du khách sau đại dịch Covid-19 trên cả nước và ở các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh nói riêng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp du lịch giới thiệu những tiềm năng, lợi thế, sản phẩm du lịch chất lượng, đặc sắc ở ba tỉnh nói trên như: Du lịch biển, khám phá di sản, hệ sinh thái đa dạng, du lịch nông nghiệp, cộng đồng, giải trí, mua sắm.
Đi đôi với không ngừng làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch truyền thống, nhiều địa phương quan tâm khai thác lợi thế, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như tắm bùn, khoáng nóng, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn, khám phá hệ sinh thái đa dạng ở miền tây Thanh Hóa-Nghệ An-Hà Tĩnh, về miền ví dặm Nghệ An; tổ chức đa dạng các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch tạo thêm sức hấp dẫn, thu hút du khách.
Các đại biểu quan tâm điểm đến cùng sản phẩm OCOP của tỉnh Nghệ An.
Đại diện câu lạc bộ doanh nghiệp du lịch lữ hành phát động liên kết khai thác sản phẩm du lịch, cam kết đồng hành cùng ngành du lịch 3 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh trong kết nối, xây dựng sản phẩm, tuyến du lịch mới. Cũng tại Hội nghị, hoa hậu Đỗ Thị Thu Hà ra mắt trên cương vị là đại sứ du lịch Thanh Hóa.
Ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, tích cực liên kết, sáng tạo của 3 tỉnh; chỉ rõ lợi thế liền một dải, thuận lợi về giao thông kết nối, nhất là tương đồng về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, nhân văn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh trao đổi, ngành du lịch còn những khó khăn, đòi hỏi các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng toàn ngành du lịch phải tập trung cao độ, triển khai đồng loạt nhiều giải pháp.
Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị ba tỉnh cần quan tâm, phối hợp để liên kết đi vào thực chất, hiệu quả; thường xuyên tổ chức các nhóm công tác phối hợp chia sẻ, nắm bắt tình hình sản phẩm, khách hàng, quảng bá xúc tiến nhằm tận dụng thế mạnh của mỗi tỉnh, tạo nên cụm điểm đến với các sản phẩm du lịch độc đáo, đa dạng dựa trên giá trị lịch sử, văn hóa và lợi thế tài nguyên tự nhiên với chất lượng dịch vụ ngày càng nâng cao; chú trọng kết nối với các vùng, miền trong cả nước để đa dạng hóa nguồn khách hàng, đặc biệt là các tỉnh, thành phố là trạm trung chuyển khách trong và ngoài nước như: Thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ...
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại Hội nghị.
Bên cạnh đó, ba tỉnh cần nghiên cứu, đánh giá và cơ cấu lại thị trường cũng như đối tượng khách du lịch trong nước và quốc tế; dựa trên thế mạnh của từng địa phương xây dựng các chuỗi sản phẩm đa dạng, có sức cạnh tranh cao, thu hút dòng khách du lịch cao cấp, có mức chi tiêu tốt và lưu trú dài ngày; quan tâm phát triển các sản phẩm du lịch gắn với yếu tố “xanh”, bền vững và phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch là trung tâm”.
Tăng cường liên kết hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá, thu hút khách; phát huy hiệu quả liên kết khu vực Bắc Trung Bộ và liên minh, liên kết giữa các doanh nghiệp, tổ chức các chiến dịch, xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch; phối hợp Tổng cục Du lịch, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến, quảng bá; xây dựng nền tảng số kết nối, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động chuyển đổi số nhằm nâng cao trải nghiệm du lịch cho du khách.
Tổng Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cũng đề nghị các địa phương có các giải pháp thiết thực và hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thu hút lại nguồn nhân lực có kinh nghiệm, đáp ứng nhu cầu phục vụ du khách trong thời gian sớm nhất; đồng thời tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn điểm đến qua việc xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch an toàn, chất lượng, đa dạng, hấp dẫn.
Ba tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch nhất là vào mùa cao điểm du lịch nội địa; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, góp phần nâng cao các nhóm chỉ số về y tế và vệ sinh, môi trường kinh doanh du lịch.
Gửi phản hồi
In bài viết