Nhận diện thế mạnh
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, với lợi thế về tài nguyên du lịch biển đảo, nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, cùng khoảng 400 nguồn nước nóng phân bổ khắp cả nước và nền y học cổ truyền phát triển từ nhiều đời nay... Việt Nam rất có khả năng và điều kiện xây dựng những dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Trương Sỹ Vinh cho rằng, đây sẽ là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là phù hợp với xu hướng du lịch nghỉ dưỡng của du khách sau dịch Covid-19. Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Văn Đính (từng tham gia công tác giảng dạy về lĩnh vực du lịch), với tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, cũng như khả năng y khoa Đông và Tây y, Việt Nam đang rất có lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe. Năm 2018, khi chưa chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Việt Nam đã đón khoảng 350.000 du khách quốc tế trải nghiệm loại hình du lịch này, mang về doanh thu 2 tỷ đô la Mỹ.
Thực tế, nhiều năm trở lại đây, du lịch chăm sóc sức khỏe được các địa phương quan tâm, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư và đã phát triển được những dòng sản phẩm du lịch cao cấp hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Điển hình là khu du lịch Serena resort Kim Bôi (Hòa Bình), Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Núi Thần Tài (Đà Nẵng), Wyndham Thanh Thủy (Phú Thọ), Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh)... Đây là những khu du lịch đã khai thác được lợi thế về nguồn suối nước nóng, bùn khoáng thiên nhiên tại địa phương. Bên cạnh đó, có không ít địa phương phát triển du lịch cộng đồng gắn với loại hình chăm sóc sức khỏe như: Khu du lịch bản Lướt (xã Ngọc Chiến, Mường La, Sơn La), Trạm Tấu (Yên Bái)...
Theo Tiến sĩ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch), Việt Nam hoàn toàn có khả năng hình thành dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe có năng lực cạnh tranh cao, tập trung cho nhiều dòng khách từ bình dân đến hạng sang. "Đây có thể sẽ là lợi thế du lịch của Việt Nam nếu biết cách đầu tư và khai thác", ông Vũ Nam nói.
Cần có bộ tiêu chí chung
Mặc dù có nhiều lợi thế, tiềm năng và đang được các địa phương đẩy mạnh phát triển, song theo các đại biểu, du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam vẫn hoạt động manh mún và chưa có sự đồng bộ cả cơ sở vật chất lẫn sự chuẩn hóa về quy trình y tế, chăm sóc sức khỏe. Nhiều nơi, cơ sở vật chất còn lạc hậu, hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe cũng như nhân sự để chăm sóc du khách về mặt y tế chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản dẫn đến mất niềm tin cho du khách.
Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Trần Hữu Thùy Giang, mặc dù mảnh đất cố đô có nền y học Đông Y hưng thịnh, sở hữu 7 nguồn suối nước nóng nhưng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe vẫn chưa được nhiều du khách biết đến do chiến lược truyền thông, quảng bá chưa tốt, ít đơn vị lữ hành khai thác kết nối. Còn Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Thị Lệ Thanh cho biết, Tổng cục Du lịch nên có sự hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong định hướng phát triển loại hình du lịch này, không nên phát triển ồ ạt mà cần phải có quy hoạch phù hợp với tiềm năng, lợi thế từng tỉnh, thành phố, trong đó, cần phải chú ý hơn vấn đề môi trường, cảnh quan khi đầu tư dòng sản phẩm này.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, để phát triển tốt hơn nữa du lịch chăm sóc sức khỏe, Tổng cục Du lịch cần phối hợp với Bộ Y tế xây dựng bộ tiêu chí để chuẩn hóa các dịch vụ cũng như quy trình khám, chữa bệnh tại các cơ sở du lịch; có chính sách khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng những khu du lịch chăm sóc sức khỏe chất lượng cao để có thể phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Gửi phản hồi
In bài viết