Du khách check-in tại bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải. Ảnh: Homestay A Lủ
Mở hướng phát triển kinh tế
Tam Đường nằm ở cửa ngõ của tỉnh Lai Châu, cách thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) 43km về phía Tây. Nằm ở độ cao 800 - 1.200m so với mực nước biển, Tam Đường có địa hình phức tạp, chia cắt bởi những dãy núi (Hoàng Liên Sơn, Pusamcap) chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Xen kẽ giữa các dãy núi cao là các thung lũng như Tam Đường - Bản Giang (diện tích 3.500ha), Tam Đường - Thèn Sin (500ha), Bình Lư - Nà Tăm - Bản Bo (trên 1.800ha).
Thiên nhiên hùng vĩ đã ưu ái cho Tam Đường rất nhiều thắng cảnh, như rừng đỗ quyên trên đỉnh Putaleng (đỉnh núi cao thứ ba đã được khám phá ở Việt Nam) được coi là thiên đường hoa đỗ quyên của Việt Nam với đủ các màu đỏ, cam, trắng, vàng, tím... hòa trộn đua nhau khoe sắc giữa đại ngàn mỗi độ xuân về. Cách trung tâm thị trấn Tam Đường 3km là thác Tác Tình gắn với huyền tích tình yêu của nàng Lở Lan và chàng trai Lý Phàn quanh năm nước chảy hùng vĩ như một dải lụa trắng tuyệt đẹp giữa màu xanh trùng điệp của dãy Hoàng Liên Sơn chạy dài theo hướng Đông Bắc của Tam Đường. Từ đèo Ô Quy Hồ đi xuống phía Tây, nằm ngay dưới chân núi là động Tiên Sơn gắn liền với truyền thuyết về Tiên Ông, cũng là một điểm du lịch tâm linh thú vị... Ngoài ra, Tam Đường còn có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên bản sắc dân tộc rất đa sắc, độc đáo.
Tiềm năng về du lịch lớn, chưa được khai thác hết chính là trăn trở lớn của những người đứng đầu địa phương. Những năm qua, các cấp chính quyền huyện đã cùng với dân bản tìm hướng đi mới trong phát triển dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trải qua những bước đầu đầy gian lao và thử thách, từ những viên gạch đầu tiên đặt nền móng, những buổi động viên, tuyên truyền tới nhân dân, cuối cùng những bản du lịch cộng đồng đầu tiên đã xuất hiện và phát triển mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm cho người dân, hiệu quả về phát triển kinh tế nhìn thấy rõ rệt.
Hiện nay, huyện Tam Đường đang có ba bản du lịch cộng đồng nổi tiếng, có điểm đã xuất hiện trên bản đồ du lịch thế giới được du khách trong nước và quốc tế ghé thăm thường xuyên như Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải mang bản sắc của người Dao đầu bằng thuộc xã Hồ Thầu; Bản du lịch cộng đồng Bản Thẳm mang bản sắc của dân tộc Lự thuộc xã Bản Hon; Bản du lịch cộng đồng Lao Chải I mang bản sắc của người dân tộc Mông (Mông Hoa) thuộc xã Khun Há...
Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ là một hướng phát triển kinh tế đúng đắn cho đồng bào vùng cao mà còn là một giải pháp hiệu quả để giữ gìn, bảo tồn truyền thống, nét văn hóa độc đáo của người dân tộc thiểu số của Tam Đường.
Điểm đến hấp dẫn
Đến bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải trong những ngày đầu xuân mới, du khách được dịp thỏa thích ngắm hoa đào hoa mận nở ngập tràn con đường lát đá dẫn vào từng ngôi nhà. Nằm gọn trên đỉnh núi cao, khí hậu mát mẻ quanh năm, Sì Thâu Chải là một bản cổ của người Dao, trước đây chỉ là những căn nhà trình tường đơn giản, nay đã được cải tạo thành những homestay đầy đủ tiện nghi. Dù bận rộn với công việc phục vụ khách du lịch nhưng anh Phàn A Lủ (chủ Homestay A Lủ) cũng hào hứng chia sẻ: "Tôi là người con dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên tại bản Sì Thâu Chải, tôi làm homestay được bốn năm rồi. Làm du lịch cộng đồng là chủ trương của huyện kết hợp với nhân dân cùng làm. Du khách tới thăm khiến bản mình vui vẻ hơn, thu nhập nhiều hơn, kinh tế tốt hơn mình đi làm nông nhiều". Anh Phạm Hùng Phong, một du khách tới từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Cảm nhận đầu tiên của mình là người Dao ở Sì Thâu Chải rất thân thiện và mến khách. Họ vẫn giữ gìn được nhiều phong tục tập quán truyền thống như lễ hội, trang phục và ẩm thực. Người dân tộc Dao ở Sì Thâu Chải đã biết khai thác tiềm năng du lịch của bản làng mình. Họ đã đầu tư xây dựng những homestay. Đặc biệt, mình rất ấn tượng về việc họ dùng ứng dụng internet để marketing đến du khách. Sì Thâu Chải là một điểm đến tuyệt vời cho những ai muốn khám phá vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ, tìm hiểu văn hóa truyền thống và tận hưởng không gian yên bình".
Lúc rời Sì Thâu Chải trên con đường lát đá ong, tôi bắt gặp một nhóm du khách đang check-in cùng các em nhỏ trong bản dưới chân cổng chào đề tên “Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải” bằng gỗ rất đẹp. Từ đây du khách có thể phóng tầm mắt nhìn xuống thung lũng, nơi đó là thị trấn Tam Đường sầm uất, phía xa xa là ánh nắng chiều xiên qua kẽ mây chiếu xuống tạo thành khung cảnh tuyệt đẹp níu bước chân lãng khách một buổi chiều xuân... Tin rằng sự quyết tâm, năng động của người dân cùng sự vào cuộc sát sao, chung tay với đồng bào vùng cao của các cấp chính quyền, du lịch Tam Đường sẽ phát triển mạnh mẽ, mang lại thu nhập cho người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho một vùng phên giậu xa xôi của đất nước.
Theo thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tam Đường, năm 2024, toàn huyện đón tổng số hơn 500.000 lượt khách du lịch; doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 186 tỷ đồng; tốc tộ tăng trưởng khách trung bình đạt trên 15%. Mục tiêu của Tam Đường đến năm 2030 đạt trên 1 triệu lượt khách du lịch và xây dựng mô hình du lịch cộng đồng đạt chuẩn ASEAN. Để đạt được mục tiêu trên, Tam Đường sẽ tăng cường quảng bá, kêu gọi thu hút đầu tư phát triển du lịch, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi số tại thôn bản...
Gửi phản hồi
In bài viết