Hiệu quả trên nhiều phương diện
Những năm gần đây, cùng với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường…, một số trang trại, nhà vườn đã kết hợp phát triển du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Nội ở xã Phương Đình (huyện Đan Phượng) cho biết: "Thời gian gần đây, vườn nho hạ đen 700 gốc của gia đình đã trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn. Với giá vé vào cửa 30.000 đồng/người (miễn phí vé cho trẻ em), trung bình mỗi ngày, chúng tôi đón khoảng 50 du khách, vào dịp cuối tuần thì cao hơn".
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Tứ, trên địa bàn xã đã có hơn 20 mô hình phát triển hoa cây cảnh kết hợp với trải nghiệm du lịch nông nghiệp. Du khách tới đây tham quan mô hình trồng trọt, khu sản xuất, chế biến, đóng gói các loại trà thảo dược; được thu hái nông sản theo mùa...
Thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố đã có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê: Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), trang trại Đồng Quê (huyện Ba Vì), trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ). Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương nhận định, các mô hình kinh tế vườn kết hợp du lịch sinh thái cho hiệu quả kinh tế gấp 10 lần so với trồng lúa truyền thống, không chỉ mang lại thu nhập cho người sản xuất mà còn mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, các mô hình phát triển kinh tế vườn kết hợp du lịch sinh thái đã phát huy hiệu quả, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng thí điểm 6 mô hình
Hiệu quả đã rõ nhưng thực tế cho thấy, việc phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch vẫn còn một khoảng cách khá xa so với thế mạnh và tiềm năng của Hà Nội. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, nguyên nhân chính là việc phát triển các mô hình này chưa gắn với quy hoạch nông thôn; chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp sinh thái cũng chưa phù hợp với thực tế phát triển.
Còn Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho rằng, hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho du lịch nông thôn chưa đồng bộ, chưa thuận tiện để du khách tiếp cận với du lịch nông thôn... Chưa kể, số lượng, quy mô các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế.
Để các mô hình kinh tế vườn, trạng trại gắn với du lịch sinh thái phát triển xứng với tiềm năng, Giám đốc trang trại kinh tế tổng hợp Vạn An (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì) Nguyễn Thị Thanh Hằng đề xuất, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp lồng ghép với vùng du lịch để hình thành chuỗi sản phẩm; đồng thời chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, cải tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp để phát triển du lịch.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng thông tin, thời gian tới, Đan Phượng tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, hình thành những mô hình kinh tế trang trại sản xuất an toàn. Cùng với đó là xây dựng các tour tuyến du lịch làng nghề, kết nối tuyến du lịch đường thủy với các địa phương lân cận… Qua đó đa dạng hóa sản phẩm du lịch để thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Triển khai Kế hoạch số 73/2022/KH-UBND ngày 4-3-2022 về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề... theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện, thị xã: Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất và Sơn Tây. Hiện nay, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát, đánh giá thực trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố; đồng thời tổ chức lựa chọn, hỗ trợ phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn.
Và để phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp của Thủ đô, vấn đề quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch khu vực nông thôn gắn với cảnh quan du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống phải được thực hiện một cách hiệu quả, bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết