Thành phố Hồ Chí Minh có cảnh quan sông nước đẹp, phù hợp phát triển du lịch.
Nhiều kỳ vọng
Hệ thống đường thủy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 975km, đạt mật độ bình quân 0,181km/1.000 dân, bằng 73% so với Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn thành phố hiện có 92 tuyến đường thủy nội địa với chiều dài 598,7km và 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, với chiều dài hơn 100km.
Để tận dụng lợi thế này và phát huy tiềm năng riêng có, từ năm 2013, Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các bên đầu tư chỉnh trang bến bãi và triển khai nhiều tuyến du lịch và vận tải đường thủy, gồm 4 tuyến ngắn nổi bật (dưới 10km).
Tuyến thứ nhất đi Bình Quới (Thanh Đa, quận Bình Thạnh). Đây là tuyến được đầu tư hoàn chỉnh trên sông Sài Gòn với các bến: Cầu Mống - Nhà Rồng - Khánh Hội, Bạch Đằng, Tân Cảng, Thảo Điền, Bình Quới 1, Bình Quới 2, thu hút nhiều du khách.
Taxi đường thủy từ bến Bạch Đằng đi Bình Quới - Thanh Đa - Thủ Đức thu hút nhiều du khách.
Hai là tuyến du lịch đi quận 7 cũng thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, bởi hệ thống bến tàu, bến du thuyền khá hoàn chỉnh và cảnh sắc thiên nhiên hai bên bờ hấp dẫn. Ba là tuyến du lịch nội đô trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với 25 phương tiện có sức chở 7-40 người, lưu lượng khách tại mỗi đầu bến trung bình 1.000 lượt/ tháng…
Bốn là tuyến đi Củ Chi với hệ thống bến thủy kết nối các khu du lịch được đầu tư khá hoàn chỉnh với điểm đến chính là Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi, các khu du lịch sinh thái nhà vườn dọc sông Sài Gòn và kết hợp tham quan thêm một số điểm ở Bình Dương, Tây Ninh, hiện thu hút đến 3.000 khách/tháng...
Thành phố Hồ Chí Minh còn khai thác nhiều tuyến du lịch đường thủy đi Đông Nam Bộ, đi Đồng bằng sông Cửu Long và đi nước bạn Campuchia.
“Tuyến du lịch xa hơn 60km từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và nối tuyến Châu Đốc - An Giang để du lịch qua Campuchia… cũng được nhiều du khách quan tâm”, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết.
Còn nhiều việc phải làm
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, cả du lịch và vận tải đường thủy tại thành phố Hồ Chí Minh chưa phát triển như kỳ vọng. Nguyên nhân chính là số tuyến sông phù hợp phát triển những loại hình này không nhiều; bến bãi, phương tiện thiếu; hạ tầng phục vụ du lịch, giao thông thủy chưa thuận lợi. Một số tuyến hoạt động “cầm chừng”.
Công nhân vớt rác làm sạch kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đây là tuyến kênh đẹp chảy ngang thành phố, nhưng cũng dễ bị ô nhiễm nước, rác thải.
Ông Vũ Khắc Dũng, một du khách đến từ Đà Nẵng, chia sẻ với phóng viên khi vừa kết thúc hành trình trên taxi đường thủy từ Bến Bạch Đằng (quận 1) đến một số điểm ven sông Sài Gòn ở thành phố Thủ Đức: “Tôi chọn đi vào cuối giờ chiều, chứ các khung giờ còn lại trong ngày nắng lắm. Cảnh quan sông nước mênh mông cũng thích, nhưng cầu tàu lên một số bến đơn sơ quá, các hoạt động, sản phẩm phục vụ du khách chưa phong phú”.
Còn chị Vương Ngọc Nhi, du khách đến từ Đà Lạt, nhận xét: “Tôi có tham dự một tour ngắm cảnh, ăn uống trên kênh Nhiêu Lộc. Nhìn từ trên bờ xuống, tàu sáng đèn lung linh trên mặt nước rất đẹp, nhưng khi xuống tàu chạy trên kênh, cảnh vật hai bờ lặp đi lặp lại. Đôi lúc, mùi kênh bốc lên, đi chưa thấy thoải mái lắm”.
Tương tự, bác Trần Thư, du khách đến từ Hà Nội, nói: “Du thuyền trên sông Sài Gòn với các phòng ăn đóng kín để chạy điều hòa nhiệt độ không khác mấy nhà hàng trên phố. Khoang mũi và boong sân thượng nhỏ, hẹp, không đủ chỗ cho tất cả du khách ra ngoài ngắm sông đêm”.
Một số tuyến kênh đẹp tại thành phố Hồ Chí Minh cạn nước khi thủy triều xuống, ảnh hưởng đến phát triển giao thông và du lịch đường thủy.
Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định, những điểm “vướng” khiến du lịch đường thủy chưa phát triển như mong muốn là do thiếu bến đỗ. Cầu cảng Bến Bạch Đằng (quận 1) và một số bến ở quận 4 sắp đóng cửa khiến nhiều doanh nghiệp không có chỗ đón khách, nên chuyển hướng kinh doanh. Nguồn nước một số kênh bị ô nhiễm; một số kênh khác cạn nước khi thủy triều xuống; nhiều cầu tĩnh không thấp… đã kìm hãm quá trình phát triển loại hình này.
Số liệu thống kê cho thấy thành phố hiện có 71 bến thủy nội địa phục vụ đưa - đón hành khách, nhưng đa số mang tính tạm thời, nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong 5 năm gần đây, tổng vốn đầu tư xây dựng kết cấu giao thông đường thủy chỉ chiếm 4,3% so với mức đầu tư đường bộ (khoảng 1.200 tỷ đồng).
Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển giao thông và du lịch đường thủy trong đô thị sông nước.
Sở Giao thông - Vận tải đã trình UBND thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch phát triển và thu hút đầu tư 3 tuyến liên khu vực phục vụ giao thông thủy nội địa kết hợp phát triển du lịch, gồm các tuyến liên kết sông Sài Gòn, sông Đồng Nai; liên kết sông Sài Gòn với một số tuyến kênh chính trong thành phố; liên kết sông Sài Gòn với các tuyến kênh rạch đi Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng số vốn đầu tư các tuyến sông này lên đến gần 6.400 tỷ đồng.
“Theo cơ chế đặc thù mới được Quốc hội thông qua, thành phố Hồ Chí Minh có thể thu hút đầu tư bằng hình thức đối tác công - tư (PPP). Chúng tôi kỳ vọng khi có cơ chế tốt hơn, sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển giao thông, du lịch đường thủy, khai thác tiềm năng riêng có của thành phố Hồ Chí Minh”, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An nói.
Gửi phản hồi
In bài viết