Người dân Tuyên Quang rất tự hào bởi trải qua nhiều trăm năm hình thành và phát triển hiện đang sở hữu một hệ thống di sản - di tích có ý nghĩa to lớn trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng. Đó là hệ thống chùa tháp gắn với những sinh hoạt Phật giáo; là hệ thống đền, miếu gắn với tín ngưỡng đạo Mẫu, trong đó hình thành đầy đủ với Tam tòa Thánh Mẫu, gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Đó là hệ thống đền, miếu, đình làng thờ những vị tiên công, tiên hiền, các anh hùng dân tộc đã có những cống hiến xuất sắc trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương, đất nước. Gắn với những di tích lịch sử - văn hóa ấy là một không gian thiêng, trong đó người dân đến chiêm bái, thực hiện những nghi lễ trang nghiêm, thành kính, ẩn chứa ước nguyện, tâm tư chân thành và sâu lắng của mỗi người...
Tiến trình hình thành quốc gia, dân tộc đã sản sinh những nhân vật kiệt xuất chống thiên tai, chống giặc ngoại xâm, không ít nhân vật trong số đó là phụ nữ. Những nhân vật như thế để lại trong cộng đồng dân cư lòng biết ơn và sự tôn kính, trở thành Thần Mẫu. Thờ Mẫu là tín ngưỡng bản địa cổ xưa nhất của cư dân Bách Việt. Hầu hết các ngôi đền ở Tuyên Quang đều thờ Mẫu. Riêng ở thành phố Tuyên Quang và vùng phụ cận có tới 14 ngôi đền thờ Mẫu (Tam tòa Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải). Ngoài việc thờ Mẫu là chính, các đền còn phối thờ Đức Thánh Trần (Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn). Theo PGS, TS Trần Mạnh Tiến, một người lớn lên và trưởng thành ở Tuyên Quang, tục thờ Mẫu ở Tuyên Quang liên quan mật thiết với truyền thuyết thời đại Hùng Vương. Các danh thần được thờ ở đền Thác Cái, đền Bắc Mục (Hàm Yên), đền Đầm Hồng (Chiêm Hóa), đền Hạ (đền Hiệp Thuận), đền Thượng, đền Ỷ La, đền Thiềm Cung (thành phố Tuyên Quang)... góp phần hình thành các thần tích ở Tuyên Quang. Trong tiềm thức dân gian, Mẫu ở ba vị thế hiệu linh: Nguồn sống, giống nòi và hạnh phúc.
Tục thờ Mẫu Thoải (Mẫu thủy) là tín ngưỡng cổ sơ nhất, dân gian coi nước như người mẹ ban phát nguồn sống cho muôn loài. Phải chăng vì thế, các đền thờ Mẫu Thoải đều có địa thế đẹp, gần sông, suối. Xưa, ngày giáp Tết đồng bào còn có tục dán giấy đỏ vào các gốc cây đầu nguồn, thắp hương tế lễ để tỏ lòng biết ơn “mẹ nước”. Truyền thuyết kể: Kim Xuyên là vị Hoàng tử lấy con gái Long Vương làm vợ. Nàng rất yêu chồng, nhưng Kim Xuyên lại nghe lời vợ lẽ ruồng bỏ nàng và nhốt vào rừng sâu, nhưng nàng được các loài muông thú cứu sống trở về Long Cung. Người phụ nữ này được người đời sau tôn là Mẫu Thoải và lập miếu thờ ở Đầm Hồng, thuộc xã Ngọc Hội ngày nay của huyện Chiêm Hóa...
Phật tử và du khách thập phương trảy hội Chùa Hang.
Tục thờ Mẫu sinh tạo giống nòi như Bà Thánh Long Mẫu ở đền Thác Cái, tương truyền là người sinh Lạc Long Quân (dân gian gọi là Tổ Mẫu). Đền Bắc Mục (Hàm Yên), ngoài thờ chính thần Trần Hưng Đạo còn thờ Mẫu Âu Cơ (giống Tiên), người vợ của Lạc Long Quân (giống Rồng). Do vậy, người Việt có thủy tổ là con Rồng, cháu Tiên).
Thờ Mẫu “giúp nước, trợ dân” ở đền Hạ (đền Hiệp Thuận), đền Thượng, đền Ỷ La (thành phố Tuyên Quang), gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu ở ba ngôi đền này là Lễ hội rước Mẫu. Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La ra đời và tồn tại từ rất lâu đời. Thánh Mẫu được thờ ở ba ngôi đền chính là tính “thiêng”, là hạt nhân của lễ hội. Ba ngôi đền được xây dựng giữa thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX để thờ Đức Thánh Mẫu Thượng Thiên (được đồng nhất với Mẫu Liễu Hạnh), bà còn được gọi là Mẫu Đệ nhất, Mẫu Thượng Thiên hay Tiên Thiên Thánh Mẫu.
Truyền thuyết về Thần Mẫu được thờ ở đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La, sách Đại Nam nhất thống chí chép rằng: “Đền thần Ỷ La: Tương truyền đời trước có hai công chúa là Ngọc Lân và Phương Dung theo xa giá đi xem xét địa phương, đỗ thuyền ở bờ sông. Đêm đến nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Đền thờ Phương Dung công chúa ở phía hữu ngạn sông Lô thuộc địa phận xã Ỷ La. Đền thờ Ngọc Lân công chúa ở phía tả ngạn sông Lô thuộc xã Tình Húc, cầu đảo phần nhiều ứng nghiệm”. (Đền thờ Phương Dung công chúa ở phía hữu ngạn sông Lô thuộc xã Ỷ La xưa, tức là đền Hạ (đền Hiệp Thuận) ngày nay; đền thờ Ngọc Lân công chúa ở phía hữu ngạn sông Lô thuộc xã Tình Húc xưa, tức là đền Thượng, xã Tràng Đà ngày nay). Còn đền Mẫu Ỷ La là nơi “lánh nạn” cho Thần (tỵ Thần), nơi có địa thế linh thiêng chở che cho Thánh Mẫu... Thế nên, hằng năm, lễ hội đền Hạ không thể tách rời đền Thượng và đền Mẫu Ỷ La. Trong ngày diễn ra lễ rước Mẫu, đền Thượng và đền Ỷ La là nơi khởi kiệu, đền Hạ là nơi hợp tế. Hằng năm họ - công chúa Ngọc Lân và công chúa Phương Dung gặp nhau hai lần vào trung tuần tháng Hai và tháng Bảy (Âm lịch) rồi cùng cáo về trời. Khi rước bài vị Thánh Mẫu từ đền Thượng và đền Ỷ La về đền Hạ là biểu hiện sự gặp gỡ đoàn tụ, xum họp gia đình của hai chị em Ngọc Lân và Phương Dung công chúa.
Lễ đăng quang 7 đèn của dân tộc Dao tại Lễ cấp sắc xã Tân Thành (Hàm Yên). Ảnh: Quang Hòa
Rước Mẫu là lễ hội văn hóa truyền thống không chỉ riêng của người dân thành phố Tuyên Quang mà còn là ngày hội thu hút đông đảo nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương đến chiêm bái, hành lễ. Năm 2007 lễ hội rước Mẫu được khôi phục lại (hằng năm diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Hai Âm lịch), trên cơ sở bảo tồn, tuân thủ cách thức tổ chức từ xưa: lộ trình rước, trang trí, lời văn tế, kiệu cờ, lễ vật dâng cúng, trang phục hành lễ... vẫn mang đậm sắc thái cổ truyền của địa phương. Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La hàm chứa những giá trị của di sản về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học và tính cố kết cộng đồng. Là lễ hội với các nghi lễ tâm linh, thể hiện sự tôn kính, ngưỡng vọng, biết ơn của nhân dân Tuyên Quang, khách thập phương với Thánh Mẫu và các vị Thần, phù hộ cho một năm mới có cuộc sống đủ đầy hơn, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và tính nhân văn như vậy, Lễ hội rước Mẫu trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cùng với việc thờ Mẫu ở các đền, Tuyên Quang còn có một số ngôi chùa thờ Phật. Theo TS Trần Anh Dũng, Viện Khảo cổ học Việt Nam, thống kê chưa đầy đủ so với tiềm năng có thể có, thì Tuyên Quang có một hệ thống 33 chùa tháp thời Lý - Trần (thế kỷ XI- XIV), giai đoạn Phật giáo phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Từ những di tích và qua điều tra khảo cổ học, thấy rằng Phật giáo, văn hóa, văn minh Đại Việt đã lan tỏa, bám rễ từ hơn nghìn năm trên mảnh đất Tuyên Quang. Một số ngôi chùa cổ ở Tuyên Quang rất được đông đảo du khách đến chiêm bái, ngưỡng vọng, như: Chùa An Vinh, Linh Thông, Trùng Quang, Hương Nghiêm (chùa Hang), Phổ Linh (thành phố Tuyên Quang), chùa Núi Man (chùa Phật Lâm) ở xã Nhữ Hán (Yên Sơn), chùa Lang Đạo, xã Tú Thịnh (Sơn Dương), chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, ở xã Yên Nguyên, chùa Nhùng ở xã Hòa Phú (Chiêm Hóa), chùa Phúc Lâm, ở xã Thượng Lâm (Lâm Bình)... điều đó chứng tỏ người dân có lòng hướng thiện, một trong những giá trị cốt lõi của giáo lý nhà Phật.
Là một miền đất cổ, miền đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, một miền đất đậm nét văn hóa tâm linh, hiện Tuyên Quang còn đang lưu giữ 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó nhiều di sản văn hóa gắn liền với các lễ hội tín ngưỡng tâm linh mang đậm nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc, diễn ra vào đầu xuân năm mới, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đến với những điểm văn hóa du lịch tâm linh, du khách không chỉ được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên trong lành, tươi đẹp của Tuyên Quang mà còn là cơ hội để tìm hiểu, khám phá về giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của những di sản văn hóa người dân xứ Tuyên đang sở hữu và phát huy giá trị.
Gửi phản hồi
In bài viết