Bãi biển "vô cực" Quang Lang (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy)
Thái Bình hiện có 113 di tích quốc gia, hơn 500 di tích cấp tỉnh, nổi bật là 2 di tích Quốc gia đặc biệt: Chùa Keo và Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Tỉnh còn có 483 lễ hội vẫn được duy trì và lưu giữ, trong đó có 8 lễ hội được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là lợi thế rất lớn để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.
Bãi biển cồn Vành (xã Nam Phú, huyện Tiền Hải) có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, nhưng cơ sở vật chất và dịch vụ tại đây còn nghèo nàn, đơn điệu.
Bên cạnh đó, địa phương có 53km bờ biển thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng, với nhiều bãi ngang rộng có các cồn nổi như cồn Vành, cồn Đen, rừng ngập mặn Thụy Trường còn giữ nguyên vẻ hoang sơ, là tiềm năng lớn phát triển du lịch sinh thái biển.
Mặc dù vậy, trong những năm qua, việc kích cầu du lịch trên quê lúa Thái Bình còn chậm, chưa có sự đột phá rõ nét. Năm 2022 vừa qua, toàn tỉnh thu hút được khoảng 705 nghìn lượt khách, doanh thu ước đạt 423 tỷ đồng.
Hiện nay, Thái Bình có gần 400 cơ sở lưu trú với hơn 5.000 phòng, mới chỉ có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Rừng ngập mặn Thụy Trường (huyện Thái Thụy) thuộc Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, nhưng hiện nay hầu như chưa khai thác được nhiều để phát triển du lịch trải nghiệm.
Thái Bình còn lúng túng trong việc xây dựng sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến. Có một thực tế, sản phẩm du lịch của địa phương không nhiều, chưa đủ sức hấp dẫn và khó thu hút được du khách.
Ngoài ra, các điểm thăm quan, trải nghiệm chỉ có tính chất mùa vụ, chưa có sự liên kết với nhau thành những tour, tuyến rõ ràng; dịch vụ đi kèm tại các điểm du lịch còn đơn điệu, nghèo nàn.
Nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, Thái Bình cần nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước để phát triển du lịch.
Lễ hội chùa Keo (huyện Vũ Thư) đang dần thu hút đông du khách thập phương bởi còn lưu giữ được khá nhiều những tập tục truyền thống gắn với văn hóa trồng lúa nước của cư dân bản địa.
Địa phương nên tập trung đầu tư vào hệ thống hạ tầng du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, có kỹ năng, chuyên môn về du lịch; đẩy mạnh công nghệ thông tin cho công tác quảng bá du lịch.
Điều quan trọng nhất, Thái Bình cần tập trung đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ, lựa chọn một số sản phẩm du lịch chủ đạo để tập trung phát triển như sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, nông nghiệp, nông thôn…
Tục rước nước trong lễ hội đền Trần tỉnh Thái Bình.
Mặt khác, phải đẩy mạnh liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng, nhất là với thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp tác các bên cùng có lợi, trong đó có những nội dung như kết nối tour, tuyến du lịch, liên kết trong công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo nguồn nhân lực.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Bình, để đạt được các chỉ tiêu cơ bản trong định hướng phát triển của ngành du lịch Thái Bình đến năm 2030, vấn đề đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, phương tiện vận chuyển khách, các cơ sở đào tạo, tuyên truyền quảng bá giữ vai trò hết sức quan trọng.
Được biết, tổng nhu cầu đầu tư toàn giai đoạn từ nay đến năm 2030 khoảng 8.000 tỷ đồng, từ đó sẽ tạo nền tảng để thu hút du lịch trên địa bàn.
Gửi phản hồi
In bài viết