Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức khai mạc lễ hội đền Huyền Trân Xuân Quý Mão năm 2023 với chủ đề "Ngưỡng vọng tiền nhân".
Huế là vùng đất với hàng trăm đền, chùa. Với không gian di sản văn hóa tâm linh độc đáo và đa dạng, Huế có thể phát triển mạnh mẽ nhiều sản phẩm du lịch tôn giáo tín ngưỡng, hành hương và thiện nguyện.
Thế mạnh tiềm năng
Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh, thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng. Trong suốt chiều dài lịch sử, tại Huế có nhiều niệm Phật đường, các chùa khuôn hội, trong đó có hơn 100 ngôi chùa cổ cùng hàng chục tổ đình với các nghi lễ Phật giáo và hoạt động Phật sự tôn nghiêm. Nhiều công trình kiến trúc phục vụ cho loại hình du lịch tôn giáo, tín ngưỡng đã được xây mới như: Khu văn hóa Ðền Huyền Trân, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Khu văn hóa du lịch tâm linh Quán Thế Âm… Không chỉ có hệ thống chùa chiền dày đặc, văn hóa Phật giáo tại Huế còn được biết đến bởi các lễ nghi được bảo lưu khá nguyên vẹn, với không ít lễ hội mang màu sắc tâm linh riêng có tại Huế.
Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế cũng rất phát triển và có sức hút rất lớn đối với người dân, du khách. Tiêu biểu nhất cho những giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế, đó chính là điện Hòn Chén và lễ hội Ðiện Hòn Chén. Trong khi đó, Thiên Chúa giáo có lịch sử du nhập và phát triển ở Ðàng Trong khá sớm. Hiện tại, ở trung tâm thành phố Huế có hai ngôi giáo đường lớn được xây dựng vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước là nhà thờ Phủ Cam và nhà thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Giáo sư, Tiến sĩ Thái Quang Trung, người đã nhiều công sức để định vị thương hiệu cho du lịch Huế nhận định: "Ðến Huế, du khách có thể ngâm mình trong làn nước trong xanh của sông Hương, hoặc chỉ đơn giản là mê mải rong ruổi ở các vùng nông thôn đầy màu sắc của Huế. Với tài sản vô giá, giàu có về tâm linh, những người có trách nhiệm quản lý và phát triển du lịch nên thay đổi và làm sâu sắc thêm hình ảnh của Thừa Thiên Huế, vùng đất của văn hóa tâm linh, của bình yên và hạnh phúc".
Một trong những điểm nhấn lớn nhất của Festival Huế 2022 được tổ chức theo hướng bốn mùa quanh năm là lễ hội Ðiện Hòn Chén. Tương truyền, lễ hội Ðiện Hòn Chén được nhà Nguyễn đưa vào hàng quốc lễ và được tổ chức hằng năm "Xuân Thu nhị kỳ" để nhớ ơn Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Lễ hội mang đến cho con người về việc thờ Mẹ, đạo hiếu, đạo làm người: "Tháng Bảy giỗ Cha, Tháng Ba giỗ Mẹ". Sau hơn 50 năm kể từ năm 1971, lễ rước cung nghinh Thánh mẫu, Hội đồng Tứ phủ được khôi phục, cũng đã tái hiện đầy sắc màu trên đường phố Huế, thu hút hàng nghìn thanh đồng, tín nữ và du khách hành hương thập phương. Có thể nói, gắn kết với thương hiệu Festival Huế, việc khôi phục lễ hội Ðiện Hòn Chén là một hướng phát triển du lịch tâm linh tiêu biểu của Thừa Thiên Huế. Ðây cũng được xem là một Festival văn hóa dân gian, cộng đồng đặc trưng của vùng đất Cố đô.
Vào tháng tư âm lịch, Huế lại rộn ràng và tưng bừng hơn trong sắc màu của mùa Phật Ðản. Các hoạt động kỷ niệm ngày Ðản sanh diễn ra trong suốt một tuần. Kế đến là lễ hội Quan thế âm Bồ Tát, thường được tổ chức trong hai ngày 18 và 19/6 âm lịch tại núi Tứ Tượng, lễ Vu lan vào rằm tháng 7… Các lễ hội này thu hút hàng chục nghìn tín đồ Phật giáo, khách thập phương đến Huế hành hương, chiêm bái. Huế cũng hình thành các điểm đến du lịch tâm linh như Trung tâm văn hóa Huyền Trân-nơi thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân-ái nữ của vua Trần Nhân Tông, người đã hy sinh tình riêng để góp nên vùng Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên Huế có vị thế xứng đáng trong lịch sử của đất nước.
Bên cạnh đó, có Trung tâm văn hóa Phật đài Quan thế âm Bồ Tát, Thiền viện Trúc Lâm ở hồ Truồi…, hay trong thời gian tới là Bạch Vân Tự sẽ được xây dựng tại Vườn quốc gia Bạch Mã. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phúc cho biết, bên cạnh việc khai thác thế mạnh về di tích lịch sử, hiện các công ty du lịch, lữ hành đã tổ chức các tour, tuyến liên quan du lịch tâm linh, ẩm thực chay, các khóa tu tập, thiền… tạo nên sự đa dạng các sản phẩm du lịch ở Huế. Tiêu biểu cho các điểm đến du lịch tâm linh ở Huế như: Khu du lịch tâm linh Quán Thế Âm, Huyền Không Sơn Thượng, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, Ðền thờ Huyền Trân công chúa, Tượng đài Hoàng đế Quang Trung...
Ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ: "Chúng tôi xây dựng, hình thành một số sản phẩm liên quan tâm linh, lồng ghép với một số tour truyền thống trước đây đã có để làm mới, nâng cấp, tổ chức một số tour chuyên về du lịch tâm linh, thăm chùa chiền, tìm hiểu về đạo Phật và trải nghiệm một số hoạt động trong các chùa, gia tăng sản phẩm du lịch giúp cho du khách khi đến với Huế không chỉ trải nghiệm di sản văn hóa trải nghiệm với cộng đồng, mà còn tìm hiểu trải nghiệm thêm về du lịch tâm linh. Ðây cũng là thế mạnh của ngành du lịch Thừa Thiên Huế".
Lễ rước cung nghinh Thánh Mẫu, Hội đồng Tứ phủ đã được tái hiện trên đường phố Huế trong dịp Festival Huế 2022.
Đa dạng sản phẩm
Thời gian qua đã có nhiều hội nghị, hội thảo về phát triển du lịch tâm linh ở Thừa Thiên Huế. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Tâm Hạnh, Phân viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế, việc xây dựng các trung tâm du lịch Phật giáo ở Huế là hướng đi cần thiết. Tuy nhiên, sẽ rất lãng phí tài nguyên du lịch nếu không chú ý khai thác các di sản sẵn có, nhất là trong điều kiện Huế có hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, với nhiều cổ tự giàu văn hóa-lịch sử. Bà Nguyễn Thị Tâm Hạnh đặt vấn đề: Tại sao Huế được biết đến là xứ sở của "thiền kinh" nhưng vẫn chưa phải là điểm sáng có sức hấp dẫn đối với du khách thập phương là dấu hỏi cần có câu trả lời.
Theo các nhà nghiên cứu, trên nền tảng của những lễ hội truyền thống mang đặc trưng đời sống tín ngưỡng của Huế, nếu có sự đầu tư kết hợp phù hợp, những lễ hội này có thể trở thành điểm nhấn để hình thành một tuyến du lịch tâm linh hấp dẫn với nội dung truyền tải toàn bộ đời sống tinh thần của người Huế. Hơn nữa, dấu ấn Phật giáo với tầm ảnh hưởng lớn, sức lan tỏa sâu rộng, đậm nét và phổ biến với việc duy trì thường xuyên các nghi lễ cúng trong ngày sóc, ngày vọng; trong đó, đáng đề cập đến là lễ cúng rằm tháng 7 - ngày lễ Vu lan cũng liên quan đến đời sống tâm linh của cư dân vùng Huế. Từ những lễ hội và hoạt động tín ngưỡng đa dạng trong loại hình, nếu xâu chuỗi chúng theo trục xuyên suốt "Vu lan - Mẫu - Thu tế" sẽ trở thành mô hình du lịch tâm linh ấn tượng với những tour tuyến cụ thể.
Ðại diện Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Sở đã chủ trì triển khai khảo sát với 34 đại diện đến từ các doanh nghiệp du lịch lớn trên địa bàn cùng đại diện các ban, ngành và địa phương liên quan để định hướng xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh, nhằm góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch chung của tỉnh, gia tăng lượng khách và thời gian lưu trú tại Huế. Một số địa điểm khảo sát dịp này bao gồm: chùa Ðông Thiền, chùa Huyền Không Sơn Thượng, chùa Ðức Sơn và Thiền viện Trúc Lâm. Thời gian tới, Sở Du lịch tiếp tục nghiên cứu phối hợp kết nối các đơn vị lữ hành nhằm xây dựng hoàn chỉnh tour trải nghiệm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những mặt tích cực, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Ðáng nói là các hãng lữ hành chưa quảng bá đầy đủ, có bài bản về loại hình du lịch này. Chủ nhân các cơ sở tâm linh cũng không mặn mà đón du khách đi theo các tour như vậy. Phải chăng đó là cơ chế chưa được tháo gỡ trong quảng bá và phân chia lợi nhuận trong kinh doanh loại hình này? Phát triển và thu hút khách du lịch đến Huế không nên chỉ trông chờ ở lượng khách mua vé vào các điểm di tích mà phải tổ chức quảng bá, tôn vinh các điểm đến. Mở rộng cửa, tạo điều kiện hằng ngày cho du khách đến tham quan cúng tế ở đàn Nam Giao, điện Hòn Chén... cũng là một trong những cách làm. Nhiều nơi đã làm có hiệu quả là bài học tham khảo cho du lịch Huế ■
Gửi phản hồi
In bài viết