Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (tỉnh Ninh Bình) - địa điểm thu hút khách du lịch tham quan.
Mối lo nhiều điểm vắng khách
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5 vừa qua, lượng khách du lịch nội địa tại một số điểm thấp hơn so với năm ngoái. Một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng từ giá vé máy bay tăng cao nên lượng khách từ thị trường nội địa không đạt như kỳ vọng. Nhiều địa phương lượng khách đã giảm so với cùng kỳ năm trước như: Tỉnh Kiên Giang trong 5 ngày nghỉ lễ phục vụ khoảng 264.938 lượt khách (giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022), công suất phòng trung bình đạt 54%; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 132,5 tỷ đồng (giảm 24,3% so với cùng kỳ). Tỉnh Thừa Thiên - Huế đón khoảng 95.000 khách du lịch, ít hơn cùng kỳ năm ngoái; công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú đạt 77%. Thành phố Đà Nẵng chỉ đón và phục vụ được 321.623 lượt khách du lịch; công suất phòng trung bình đạt 70-75%...
Theo Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan, giá vé máy bay tăng cao khiến nhu cầu du lịch của khách thay đổi, thay vì thực hiện những chuyến đi xa, khách sẽ chọn đi những điểm đến gần, bằng phương tiện ô tô. Việc này, có thể còn gây mất cân bằng thị trường khách, điểm xa không có khách nhưng điểm gần lại bị “quá tải”, dẫn đến chất lượng dịch vụ không bảo đảm.
Hiện nay, nhiều địa phương, đơn vị lữ hành tiếp tục lo lắng về giá vé máy bay cao từ đợt nghỉ lễ có thể ảnh hưởng đến tâm lý đặt tour của khách trong dịp hè. Theo khảo sát trên trang đặt vé chính thức của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam, vé máy bay từ Hà Nội đến Phú Quốc vào ngày 1-6 có mức giá hơn 3 triệu đồng/người cho chuyến bay lúc 7h35, gần 2 triệu đồng lúc 9h35; nếu bay các hãng VietjetAir giá vé sẽ thấp hơn (chưa tính thuế phí). Ở chặng Hà Nội - Đà Nẵng, giá vé “mềm” hơn, trung bình khoảng hơn 1,2 triệu đến 1,6 triệu đồng/người (1 chặng). Đây là những mức giá không cao so với đợt nghỉ lễ nhưng vẫn chưa phải là mức giá kích cầu với du khách.
Đánh giá về xu hướng du lịch hè năm nay, Giám đốc Công ty Lữ hành Sunvina Travel Tạ Hữu Chiến cho biết, chi phí cho máy bay thường chiếm 30 - 50% tổng giá thành một gói du lịch nội địa, vì thế, khi vé máy bay cao, du khách sẽ chuyển hướng. Năm nay, nhiều thị trường outbound (đưa khách đi nước ngoài) có giá tour trọn gói khá rẻ đã thu hút lượng lớn khách Việt Nam, điển hình như: Phượng Hoàng cổ trấn, Trương Gia Giới (Trung Quốc), Thái Lan có mức giá từ 7 đến 9 triệu đồng; Bali (Indonesia), Hàn Quốc có giá từ 12 đến 15 triệu đồng. “Tình trạng khách Việt lựa chọn du lịch nước ngoài trong khi nhiều điểm du lịch trong nước vắng khách là thực tế đang diễn ra”, ông Tạ Hữu Chiến chia sẻ.
Tránh tình trạng “ăn đong“
Nhiều năm nay, mùa hè thường thu hút đông đảo khách nội địa, trong khi đó thời gian thu hút khách quốc tế thường vào mùa đông. Điều này đang tạo ra sự không cân bằng giữa các dòng khách. Bên cạnh đó, theo thông tin từ nhiều đơn vị lữ hành, với sự kích cầu mạnh mẽ của nhiều nước trong khu vực, du lịch trong nước đang có sự cạnh tranh rất lớn về giá với nhiều tour nước ngoài. Lượng khách lựa chọn đi nước ngoài nhiều hơn trong nước đang đặt ra bài toán cho các đơn vị kinh doanh du lịch.
Các chuyên gia du lịch cho rằng, du lịch Việt Nam cần có chiến lược cụ thể và bài bản hơn để có sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước vào tất cả các mùa trong năm. Về vấn đề này, Giám đốc Công ty Lữ hành Vietsense Travel Nguyễn Văn Tài cho rằng, vào mùa cao điểm hè, các địa phương đồng loạt tổ chức lễ hội, tuần du lịch, chương trình xúc tiến, famtrip (khảo sát du lịch) trong khi vào những thời điểm khác lại ít hoạt động. “Các địa phương nên xây dựng nhiều sản phẩm khác nhau theo thế mạnh riêng để tạo sức hút quanh năm cho du khách chứ không chỉ là một mùa cao điểm”, ông Nguyễn Văn Tài gợi ý.
Còn theo Giám đốc Công ty VietFoot Travel Phạm Duy Nghĩa, vào mùa cao điểm, các đơn vị hàng không, lữ hành cần có chính sách về giá hợp lý để kích thích người dân du lịch ở những nơi xa, tránh việc tập trung đông ở một địa phương dẫn đến quá tải. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng sản phẩm đặc trưng cho đối tượng khách ở những thời điểm khác nhau...
Thời điểm này, hàng loạt sự kiện kích cầu du lịch đang diễn ra tại các địa phương. Để du lịch Việt Nam tạo được sự phát triển bền vững, tránh tình trạng “ăn xổi ở thì”, ngoài nỗ lực của các địa phương, còn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa hàng không và du lịch trong việc xây dựng các sản phẩm hấp dẫn, có tính ổn định cao.
Gửi phản hồi
In bài viết