Du khách nước ngoài tìm hiểu về ý nghĩa của bức phù điêu “Hà Nội mùa đông năm 1946” trước cổng chợ Đồng Xuân, Hà Nội.
(Ảnh: T.LINH)
Những mục tiêu này được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam vừa diễn ra chiều 29/12. Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng dự và phát biểu chỉ đạo.
Mục tiêu đón 17-18 triệu khách quốc tế
Biểu dương những nỗ lực của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đóng góp vào thành tựu chung của ngành du lịch năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặc biệt đánh giá cao việc Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã rất chủ động trong công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách cho du lịch.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cùng toàn ngành đã tích cực tham mưu về chính sách tạo thuận lợi thu hút khách du lịch. Quốc hội, Chính phủ đã thông qua chính sách mới về cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ, chính sách nâng thời hạn tạm trú cho các nước được miễn thị thực đơn phương lên 45 ngày.
Đây là chính sách rất quan trọng để tạo bước đột phá thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, năm 2023, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, du lịch toàn cầu chỉ phục hồi ở mức gần 90% so thời điểm trước dịch, tuy nhiên khu vực châu Á phục hồi chậm nhất, chỉ đạt mức 62%. Ở trong nước, tình hình kinh tế-xã hội có xu hướng phục hồi tích cực, nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn song những nỗ lực của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã đóng góp vào thành công chung của ngành du lịch trong năm 2023: Đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, vượt 57% so mục tiêu ban đầu và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12-13 triệu lượt). Khách nội địa đạt 108 triệu lượt, vượt 6% so kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so kế hoạch năm 2023.
Tuy đã có sự phục hồi đáng kể trong năm 2023 nhưng bước sang năm 2024, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhận định, sự phục hồi của du lịch trong nước sẽ vẫn đối mặt với những thách thức trong bức tranh khó khăn chung của du lịch toàn cầu.
Cụ thể, sang năm 2023, ngành du lịch toàn cầu vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường từ kinh tế, xung đột khu vực tới biến đổi khí hậu…
Ở trong nước, tình hình kinh tế-xã hội ổn định, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế nhưng đi cùng với đó là nguy cơ dịch bệnh vẫn còn hiện hữu, thiên tai, bão lũ, tác động từ biến đổi khí hậu… tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với mức đã đạt được của năm 2019. Tuy nhiên mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực.
Nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới; quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hoạt động du lịch sẽ ngày một rõ nét.
Từ những phân tích, dự báo đó, năm 2024 ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.
4 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024
Để thực hiện được mục tiêu này, hội nghị cho rằng ngành du lịch cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy công tác hoạch định chính sách, quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn, tăng cường hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch...
Đối với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu:
Thứ nhất, Cục cần tiếp tục tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, rà soát các điểm bất cập cần điều chỉnh, các cam kết quốc tế trong lĩnh vực du lịch, liên kết với các bộ, ngành để kiến tạo chính sách phát triển các loại hình sản phẩm như du lịch nông nghiệp, chuyển đổi số trong du lịch...
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh các công cụ pháp luật, cần tập trung tăng cường công tác thống kê du lịch, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thống kê, cung cấp số liệu tốt để phục vụ hiệu quả việc hoạch định chính sách phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý kinh doanh lữ hành, quản lý hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch... theo quy định đã được phân cấp theo chức năng nhiệm vụ của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam.
Thứ ba, tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là chuyên môn về ngoại ngữ, công nghệ. Phối hợp các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để tuyển công chức bổ sung đủ số lượng chỉ tiêu.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Xây dựng kế hoạch xúc tiến quảng bá trong cả năm và chủ động trong việc chuẩn bị và triển khai kịp tiến độ.
Gửi phản hồi
In bài viết