Khai thác tiềm năng du lịch nông thôn: Hướng đến sự phát triển toàn diện, bền vững

Nhờ có điều kiện thuận lợi về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu và sự đa dạng sinh học cao nên Việt Nam sở hữu tiềm năng, lợi thế to lớn để phát triển loại hình du lịch nông thôn. Những đặc trưng văn hóa của một quốc gia có nền văn minh lúa nước cũng chính là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành “công nghiệp không khói” ở nông thôn một cách toàn diện, bền vững.

Du khách trải nghiệm nghề đan lát tại xã Hòa Tịnh (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: Linh Tâm

Nông nghiệp là nền tảng

Nếu như xu thế du lịch “xanh”, du lịch sinh thái, nông nghiệp, nông thôn chỉ mới manh nha xuất hiện cách đây vài thập niên và chưa thực sự được định hình rõ nét, thì khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, đặc biệt là từ sau dịch Covid-19, xu hướng du lịch này ngày càng phổ biến và được nhiều du khách ưa chuộng. Không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, xu hướng du lịch đã có sự thay đổi từ các loại hình du lịch truyền thống sang các loại du lịch mới, đề cao yếu tố gần gũi với thiên nhiên. Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) dự đoán, đến năm 2030, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ chiếm 10%, doanh thu khoảng 30 tỷ USD, tỷ lệ tăng hằng năm từ 10 - 30%, trong khi du lịch truyền thống (nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí, hội họp) chỉ tăng trung bình 4%/năm. Tại Việt Nam, tháng 8-2022, Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đây là một trong 6 chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, là thời cơ để du lịch nông thôn phát triển mạnh mẽ. 

Du lịch nông thôn là loại hình du lịch dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ở chiều cạnh khác, du lịch nông thôn là chuỗi hoạt động dịch vụ và tiện nghi được cung cấp để khai thác các giá trị ở nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, giáo dục, vui chơi... với các hoạt động nông nghiệp cho du khách, từ đó tạo ra thu nhập cho nông dân và góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và văn hóa nông nghiệp.

Việt Nam sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch nông thôn, đặc biệt là lối sống nông nghiệp gắn với nền văn minh lúa nước. Góp phần không nhỏ vào việc định hình nên sản phẩm du lịch nông thôn là hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các không gian nông thôn gồm những làng cổ, làng nghề truyền thống về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, thủ công mỹ nghệ ở các vùng miền. Qua đó tạo dựng nên những sản phẩm du lịch nông thôn độc đáo như thưởng ngoạn mùa lúa chín ở Mù Cang Chải (Yên Bái), một ngày làm nông dân ở Yên Đức (Quảng Ninh), trải nghiệm trồng rau ở làng Trà Quế (Quảng Nam), không gian văn hóa trà và vùng chè đặc sản Tân Cương (Thái Nguyên), trải nghiệm miệt vườn Cù lao Mây (Vĩnh Long), thăm mùa lúa chín tại Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)... 

Sự phát triển du lịch nông thôn đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi bộ mặt nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho nông dân. Có rất nhiều mô hình trên cả nước đã chứng minh cho hiệu quả của việc phát triển loại hình du lịch này. Một trong số đó là mô hình Làng thông minh với 213 hộ dân ở thôn Nà Tông (xã Thượng Lâm), thôn Nặm Đíp (xã Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang). Mô hình này phát triển dựa trên 3 trục chính: Nông nghiệp hữu cơ; Phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với du lịch; Chuyển đổi số, xây dựng làng thông minh. Tuy không có kinh phí nhưng các cán bộ văn hóa tại đây đã hỗ trợ 213 hộ dân lập 9 nhóm zalo để sinh hoạt, hỗ trợ lẫn nhau trong việc phát triển, tiêu thụ nông sản, quảng bá thương mại và phục vụ du lịch... Kết quả là mô hình này đã thu hút nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, thu hút được nhiều lao động tham gia, góp phần tăng sinh kế và bình đẳng giới. Đây là ví dụ điển hình về ứng dụng chuyển đổi số thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra “miền quê đáng sống, hạnh phúc” theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ.

Du khách tìm hiểu cuộc sống dân dã của người dân Cồn Sơn  (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ).   

Phát triển theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và bền vững 

Nhìn nhận về vai trò và sự phát triển của du lịch nông thôn, Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, chuyên gia du lịch nông nghiệp, nông thôn cho rằng: Qua nhiều giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội đều khẳng định, thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp và du lịch. Sự kết nối chặt chẽ của hai ngành sẽ xây dựng được sản phẩm du lịch nông thôn mang bản sắc văn hóa Việt. Ngành Nông nghiệp chịu trách nhiệm tạo ra các sản phẩm tinh hoa, cung cấp cho ngành Du lịch sử dụng, khai thác. Về bản chất, đây chính là quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn nhưng vẫn giữ được văn hóa làng quê Việt, thúc đẩy việc tạo ra các “miền quê đáng sống” với môi trường, kiến trúc xanh cho cư dân tại chỗ, thu hút nguồn đầu tư từ cư dân đô thị, nhất là sau đại dịch Covid-19. Sự gắn kết giữa hai ngành thông qua việc phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn là rất cần thiết trong giai đoạn phát triển chiều sâu cho chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Theo đánh giá của nhiều địa phương và doanh nghiệp lữ hành, lượng khách tham gia hoạt động du lịch nông thôn ngày một tăng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, bất cập như chưa có tầm nhìn dài hạn, hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều nơi phát triển mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm trùng lặp, phần lớn mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách và tăng khả năng chi tiêu qua khai thác các dịch vụ bổ trợ; vấn đề tiếp thị, quảng cáo sản phẩm nông nghiệp chưa được chú trọng; nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Đặc biệt, mối liên kết phát triển du lịch nông thôn giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các tỉnh còn hạn chế.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải đánh giá đúng tầm quan trọng của việc phát triển du lịch nông thôn, từ đó có các chính sách phát triển và quy hoạch dài hạn đối với loại hình du lịch này. Cùng với đó, cần xây dựng được mô hình và sản phẩm du lịch đặc thù gắn với những tiềm năng, lợi thế tự nhiên cũng như nét đặc sắc, riêng có về văn hóa, con người của từng địa phương, từng vùng miền; phát huy vai trò chủ thể của các chủ trang trại, doanh nghiệp, hộ nông dân trong tổ chức thực hiện mô hình du lịch nông thôn; có chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch nông nghiệp hiệu quả; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phục vụ du lịch cho nông dân và các nông hộ...

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu của chương trình được xác định cụ thể là “đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững”. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Tiến sĩ Đào Đức Huấn, Trưởng phòng Quản lý Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP (Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương) cho biết, đến năm 2025, Chương trình sẽ đạt các mục tiêu cụ thể như: Phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; Phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; Ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên toàn quốc...

Những mục tiêu trên cho thấy phát triển du lịch nông thôn là giải pháp quan trọng nhằm phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, qua đó góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông thôn theo hướng tích hợp đa ngành, đa giá trị. Đấy chính là nền tảng để du lịch nông thôn tăng trưởng và phát triển bền vững.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục