Trà Vinh phát triển du lịch trên nền tảng văn hóa bản địa

Tỉnh Trà Vinh có tỷ lệ đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn đông nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 300.000 người Khmer, chiếm 32% dân số cả tỉnh.

Đây cũng là vùng văn hóa Khmer đậm đặc nhất khi có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, cùng với đó là hệ thống ngôn ngữ, chữ viết, kho tàng văn nghệ dân gian được bảo tồn và kế thừa qua các thế hệ. Nguồn tài nguyên văn hóa bản địa đặc sắc này chính là nền tảng để Trà Vinh tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, mang thương hiệu riêng.

Trình diễn nghệ thuật múa dân gian phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh.

Vùng văn hóa đậm đặc

Cùng với người Việt, người Hoa, đồng bào Khmer sinh sống tại Trà Vinh từ lâu đời. Ngay từ rất sớm, người Khmer đã xây dựng những công trình kiến trúc, ngôi chùa mang dấu ấn kiến trúc đặc trưng của Phật giáo Nam tông Khmer, như chùa Âng, ao Bà Om, chùa Hang, chùa Vàm Ray, chùa Kompong (Ông Mẹt)... Về nhà ở, người Khmer ở Trà Vinh vẫn giữ lối dựng nhà ba gian truyền thống, gồm 3 phần: Nhà trên để tiếp khách, tổ chức các nghi lễ tôn giáo, nghi lễ truyền thống của gia tộc; nhà dưới tương ứng với mái sau có buồng ngủ ở hai bên; nhà bếp - nơi để nông cụ và nấu ăn.

Người Khmer lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề chính, chủ yếu là trồng lúa nước, hoa màu. Tri thức nông nghiệp của người Khmer ở Trà Vinh đạt đến trình độ cao, được bảo tồn, trao truyền qua nhiều thế hệ. Nghề thủ công truyền thống cũng là một thế mạnh, trong đó nổi bật là nghề chạm khắc gỗ, dệt vải, dệt chiếu, đan lát hay chế tác mão - mặt nạ, làm nhạc cụ, vẽ tranh trên kính, trên vải hoặc lá vô cùng độc đáo. Các lễ hội truyền thống cũng được người dân gìn giữ, thực hành thường xuyên như Lễ hội Ok Om Bok - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay, Lễ hội đua ghe Ngo, Lễ hội Sêne Đôlta. Cùng với đó là kho tàng văn học dân gian phong phú gồm truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười; các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống cùng nền âm nhạc có nguồn gốc Ấn Độ... Tất cả góp phần tạo nên bản sắc riêng của văn hóa Khmer.

Đặc sắc hơn cả là việc người Khmer hiện vẫn gìn giữ được ngôn ngữ, chữ viết riêng. Trà Vinh là địa phương duy nhất có Trường trung cấp Pali Khmer - nơi đào tạo bài bản tiếng Pali Khmer theo hình thức đặc thù gồm tiếng Pali, ngữ văn Khmer và giáo lý Phật giáo cho các tăng sinh, học sinh nhằm phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer. Trường trung cấp Pali Khmer được đặt tại chùa Kompong - một di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đã được xếp hạng năm 2009 và là một điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh.

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng

Vốn văn hóa bản địa đậm đặc ấy chính là “kho báu” để Trà Vinh khai thác tiềm năng, lợi thế và phát triển du lịch. Từ năm 2020, tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt Đề án “Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh”, tập trung khai thác các điểm đến gồm: Chùa Kompong, ao Bà Om, chùa Âng, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh, khu di tích Óc Eo, Làng văn hóa Khmer, chùa Lò Gạch, nhằm xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh, qua đó tăng cường thu hút khách du lịch.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh Dương Hoàng Sum, mục tiêu đề án hướng tới là đưa nơi đây trở thành điểm văn hóa, du lịch cấp quốc gia, tạo điểm nhấn du lịch cho tỉnh; bảo tồn và phát triển văn hóa Khmer theo hướng bền vững, đồng thời tạo ra các giá trị kết nối, giao lưu văn hóa, du lịch, thúc đẩy thương mại, đầu tư, giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm, dịch vụ du lịch mới; Đóng góp ít nhất 5% tỷ trọng tăng trưởng trong ngành Du lịch của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025; thu hút bình quân 72.000 du khách mỗi năm, trong đó có ít nhất 3.600 khách quốc tế và đạt doanh thu 25 tỷ đồng/năm...

Từ khi đề án được triển khai đến nay, đời sống của một bộ phận đồng bào Khmer đã có những đổi thay tích cực. Bà Thạch Thị Rơi, một người Khmer sinh sống tại phường 1 (thành phố Trà Vinh) chia sẻ: “Kể từ khi chúng tôi được tập huấn về kỹ năng làm du lịch, đón tiếp khách, tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa của người Khmer. Hiện nay, trung bình 3 buổi/tuần, tôi và gia đình tham gia trình diễn làm cốm dẹp - một đặc sản của người Khmer, và trình diễn nghệ thuật múa dân gian robam tại Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer Trà Vinh để phục vụ khách tham quan. Cũng nhờ vậy mà gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập ổn định”.

Để thực hiện đề án, đa dạng hóa sản phẩm và phát triển du lịch theo hướng bền vững, thời gian tới, Trà Vinh sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào dân tộc Khmer, trong đó chú trọng khai thác giá trị không gian văn hóa, trình diễn nghệ thuật múa dân gian phục vụ du khách; xây dựng tour tham quan, trải nghiệm làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ mỹ nghệ; tour tìm hiểu kiến trúc văn hóa bản địa bằng xe đạp, cưỡi trâu và lưu trú tại những ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi của người Khmer, trải nghiệm cung đường bích họa, du lịch thiện nguyện Phật giáo, du lịch hành hương từ thiện...

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục