Khẳng định thương hiệu Lễ hội Thành Tuyên

- Gần 20 năm hình thành và phát triển, Lễ hội Thành Tuyên từng bước được nâng cấp, từ ngày hội tự phát cho trẻ em ở thành phố Tuyên Quang thành lễ hội cấp thành phố, rồi lễ hội cấp tỉnh. Thương hiệu Lễ hội Thành Tuyên cũng là đặc trưng riêng - nơi văn hóa, nghệ thuật truyền thống hội tụ, lan tỏa, tạo sức hút riêng biệt, độc đáo với du khách thập phương.

Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm độc đáo của người dân xứ Tuyên. Ảnh: Quang Hòa

Lễ hội của Nhân dân

Trung thu năm 2004, một số người dân ở tổ 5, phường Tân Quang, TP Tuyên Quang có ý tưởng làm những chiếc đèn ông sao, mô hình con giống để cho trẻ em đi rước trên đường phố, được bà con trong tổ hưởng ứng nhiệt tình và góp tiền thực hiện. Những nhân vật trong truyện cổ tích đã bước ra đời thực trước sự ngỡ ngàng, vui sướng của con trẻ. Các mô hình đã được thực hiện như: “Trí khôn của ta đây”, “12 con giáp”, “Anh hùng tương ngộ”, “Đám cưới chuột”...

Từ đó, phong trào làm mô hình đèn Trung thu đã lan rộng khắp các tổ dân phố, thôn, xóm trong thành phố. Từ chỗ chỉ có gần 20 mô hình được làm trong những năm đầu, đến nay con số đã lên đến cả trăm mô hình. Mỗi mô hình mang đậm dấu ấn của sự sáng tạo, đoàn kết của người dân. Đó là sản phẩm hội tụ đầy đủ sức dân cả về vật chất và tinh thần, không chỉ 100% các tổ dân phố xã hội hóa làm các mô hình đèn Trung thu mà cả các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cũng đóng góp để xã hội hóa tiền giải thưởng.

Mô hình đám cưới chuột diễn diễu trên đường phố.

Anh Hoàng Ngọc Tùng - người phụ trách lên ý tưởng và thi công đèn lồng của tổ 1, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, mỗi năm người dân trong tổ sẽ có một mô hình khác nhau để tạo sự mới mẻ, năm nay mô hình đèn của chúng tôi mang tên “Chuyện tình Âu Cơ” với cảm hứng từ truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra con rồng cháu tiên. Qua đó muốn truyền tải thông điệp tình yêu quê hương, giáo dục con trẻ nhớ về cội nguồn. Theo anh Tùng, mô hình có tổng chi phí gần 100 triệu đồng, phần thân xe khoảng 70 triệu còn lại là chi phí để làm mới các mô hình mỗi năm. Toàn bộ do người dân trong tổ dân phố đóng góp. 

Năm 2014, lần đầu tiên, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Lễ hội này đã được kỷ lục Guiness Việt Nam xác lập: “Đêm hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo và lớn nhất Việt Nam”, “Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam”, “Cặp đèn lồng lớn nhất Việt Nam”...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lê Thanh Sơn cho rằng, sở dĩ lễ hội ngày càng tạo được hiệu ứng tích cực trong đời sống văn hóa - tinh thần của người dân nói riêng và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Tuyên Quang, là niềm tự hào của người dân Tuyên Quang mỗi dịp Trung thu là bởi ở Lễ hội Thành Tuyên, người dân đóng vai trò chủ thể, người dân sáng tạo ra mô hình, nên họ tự nguyện đóng góp để xây dựng các mô hình ấy.

Theo ông Sơn, câu chuyện thương hiệu trong văn hóa, du lịch là thứ rất khó để được chứng nhận. Chính các kỷ lục do Sách Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận là một sự công nhận, để Lễ hội Thành Tuyên ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong phát triển du lịch địa phương.

Đông đảo nhân dân và du khách theo dõi Đêm hội Thành Tuyên 2022.  Ảnh: Quốc Việt

Phát triển bền vững

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lê Thanh Sơn cho biết, trong các đợt tổ chức gần đây, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức gắn với nhiều sự kiện văn hóa quan trọng của cả nước. Năm 2019, Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức gắn với liên hoan trình diễn Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia; năm 2022 sẽ được tổ chức gắn với Lễ đón nhận Bằng ghi danh của UNESCO Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và tổ chức Cuộc thi Người đẹp xứ Tuyên. Theo ông Sơn, Lễ hội Thành Tuyên giờ không chỉ là Lễ hội Trung thu nữa, mà thực sự trở thành một bữa tiệc văn hóa - văn nghệ - thể thao đặc sắc của người dân cả nước.

Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh đã đặt mục tiêu, đến năm 2025 xây dựng Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu quốc gia.

Thực hiện mục tiêu này, hiện ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang khẩn trương xây dựng một đề án đổi mới hoạt động của Lễ hội Thành Tuyên. Trong đó xác định, Lễ hội Thành Tuyên vẫn là lễ hội của người dân, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, thực hiện, những tác động của chính quyền sẽ có nhưng rất ít. Trong thời gian tới, việc tổ chức lễ hội có những thay đổi nhất định về cách thức, quy mô, hình thức... cho phù hợp với xu hướng của sản phẩm du lịch đặc trưng và tương xứng với ý nghĩa của một lễ hội mang thương hiệu quốc gia.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục