Đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương đã được Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss đưa ra trong cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng phụ trách đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương của Nhật Bản Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor.
Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Trus. Ảnh: Reuters.
Đề nghị của Anh diễn ra vào thời điểm kỷ niệm một năm ngày nước này chính thức rời Liên minh châu Âu, sau 47 năm gắn bó. Hiện nước Anh đang phải thích ứng với các điều khoản thương mại mới với Liên minh châu Âu, với việc áp dụng một thỏa thuận thương mại mà trong nhiều trường hợp khiến việc xuất khẩu sang khối này phức tạp và đắt đỏ hơn. Việc tham gia hiệp định được cho sẽ mang lại việc làm, hỗ trợ xây dựng hệ thống thương mại toàn cầu và đưa nước Anh vào vị trí trung tâm của một số nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss nhấn mạnh: “Đây là một cơ hội lớn đối với chúng tôi. Thật tuyệt vời. Không giống như Liên minh châu Âu, tham gia hiệp định CPTPP không có quá nhiều ràng buộc. Không có việc kiểm soát biên giới, không phải chi quá nhiều ngân sách trong khi tham gia hiệp định sẽ giúp mức thuế quan giảm mạnh và cơ hội kinh doanh cũng như việc làm cho nước Anh tăng cao. Đây cũng là cơ hội lớn để Anh tiếp cận các thị trường tăng trưởng nhất thế giới".
Nhật Bản, nước Chủ tịch Hội đồng CPTPP năm 2021, và New Zealand chịu trách nhiệm tiếp nhận các yêu cầu gia nhập với tư cách là cơ quan lưu chiểu cho hiệp định thương mại này đã ngay lập tức hoan nghênh động thái này của Anh, xem đây là động lực mở rộng thương mại tự do dựa trên các quy định thương mại và đầu tư tiêu chuẩn cao.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor nhấn mạnh: “New Zealand coi mục tiêu của CPTPP là duy trì và thúc đẩy hoạt động thương mại cởi mở dựa trên các quy tắc thị trường. Chúng tôi tin tưởng CPTPP có thể mang lại vai trò lãnh đạo trong khu vực của chúng ta và hơn thế nữa, hiệp định này còn thúc đẩy sự phục hồi kinh tế và thương mại thời hậu Covid. Việc Vương quốc Anh tham gia CPTPP càng cho thấy tầm quan trọng của Hiệp định. New Zealand luôn ủng hộ mở rộng thành viên CPTPP đối với các quốc gia sẵn sàng đáp ứng quy định của thỏa thuận. Do đó, chúng tôi nồng nhiệt chào đón Anh tham gia hiệp định này".
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực từ năm 2018, gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Ước tính khu vực thương mại tự do này chiếm 13% GDP toàn cầu.
Dự kiến, sau khi Hội đồng CPTPP đồng ý bắt đầu quá trình đàm phán về việc Anh gia nhập, một nhóm công tác cấp chuyên viên sẽ được thành lập để tiến hành đàm phán. Trong quá trình đàm phán, Anh cần chứng minh rằng có thể tuân thủ các quy định của CPTPP, đồng thời phải đàm phán về thuế quan với các từng nước trong số 11 thành viên.
Gửi phản hồi
In bài viết