Rộn ràng lễ hội
Ở Tuyên Quang du lịch tâm linh rất phong phú. Toàn tỉnh có hơn 30 ngôi chùa, trong đó có nhiều ngôi chùa cổ thời Lý, Trần. Vào đầu xuân năm mới các chùa đều mở hội, thu hút đông đảo phật tử, du khách. Như lễ hội chùa Hang, xã An Khang (TP Tuyên Quang) vào ngày mồng 8 tháng Giêng. Lễ hội chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) vào ngày mồng 4 tháng Giêng. Lễ hội chùa Phật Lâm, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) vào ngày 9 tháng Giêng. Bà Nguyễn Thị Hằng, một phật tử ở phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, mỗi khi đến cửa chùa tôi thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng, mọi muộn phiền, lo âu của cuộc sống được hóa giải. Đi chùa tôi thắp nén hương thơm với lòng thành kính cầu may mắn, sức khỏe cho gia đình, cầu cho năm mới mọi người được bình an, con cái chăm ngoan, học giỏi.
Du khách đi Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình.
Tuyên Quang cũng là xứ sở của những ngôi đền linh thiêng. Đền ở xứ Tuyên tập trung nhiều nhất ở thành phố Tuyên Quang. Những ngày đầu xuân, các bãi đỗ xe tại các ngôi đền đều chật kín, hàng vạn du khách thập phương đổ về Tuyên Quang dịp này. Đền ở đây đa phần thờ Mẫu Tam phủ là Mẫu Thượng thiên cai quản vùng trời, Mẫu Thượng ngàn cai quản vùng rừng núi, Mẫu Thoải cai quản vùng sông nước. Ông Nguyễn Văn Cổn, du khách Hà Nội khẳng định, gia đình ông rất thích tham gia lễ rước Mẫu đền Hạ, Thượng, Ỷ la trong đầu tháng 2 âm lịch. Ông cũng ấn tượng với nhiều ngôi đền ở Tuyên Quang, như đền có cái tên lạ Bách Thần (Chiêm Hóa), Pác Tạ (Na Hang), Pú Bảo (Lâm Bình), Bắc Mục (Hàm Yên). Ông Cổn cho rằng, đi đền là trở về với cội nguồn văn hóa dân tộc, tín ngưỡng thuần Việt của dân tộc ta. Đó là coi trọng Thánh Mẫu và các Anh hùng dân tộc.
Ở Tuyên Quang còn có các lễ hội đầu xuân rất đặc sắc. Người Tày có lễ hội Lồng tông - lễ hội xuống đồng. Lễ hội Lồng tông có từ cấp thôn đến cấp huyện. Thầy cả làm lễ sẽ cầu cho cả một cộng đồng rộng lớn một năm mưa thuận, gió hòa, nhà nhà no đủ, khỏe mạnh. Với gia đình người Tày vào ngày lễ dù gia đình có bận việc cũng phải gác lại để đi hội. Chị Nguyễn Thị Thanh, du khách ở Vĩnh Phúc thích thú khi đã từng chứng kiến màn đồng diễn hát Then ấn tượng, nghi lễ cày tịch điền, thi cấy tại Lễ hội Lồng tông huyện Lâm Bình. Chị bảo, nhìn những quả còn bay lên cao mang bao điều ước vọng về một năm mới. Lúc tán lộc chị được phát một quả còn về lấy may. Chị bị cuốn hút vì trong lễ hội có nhiều trò chơi dân gian, các gian hàng với những đặc sản địa phương, nhiều sắc phục dân tộc thiểu số, mà chỉ những tỉnh miền núi phía Bắc mới có. Ở Tuyên Quang theo chị còn có một số lễ hội nghe khá lạ tai như Lễ hội Nhảy lửa, lễ hội Chợ quê - Động Tiên, lễ hội chợ Thụt làm nhiều du khách nghe đã muốn đi.
Đầu xuân đền Thượng, xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang đón nhiều du khách thập phương.
Về nguồn cũng là hoạt động du lịch nổi trội của địa phương. Các khu di tích cách mạng như Tân Trào (Sơn Dương), Kim Quan, Mỹ Bằng (Yên Sơn), Kim Bình (Chiêm Hóa) đầu xuân năm mới đón một lượng khách tham quan không nhỏ. Hoạt động của du khách vừa trải nghiệm về chiến khu xưa, vừa giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn…
Mùa hoa ở vùng cao
Ở Tuyên Quang có nhiều loài hoa biểu tượng cho mùa xuân. Đó là những cây đào ta cổ thụ nở bung hoa, khoe sắc bên những mái nhà sàn, nhà trình tường, nhà ngói âm dương. Khung cảnh lãng mạn nên thơ này làm xiêu lòng bao du khách. Càng đi sâu vào các bản làng của xứ Tuyên du khách càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thanh bình của vùng cao. Chỉ một cây đào nở hoa bên trái nhà thôi, dưới tán là những ánh mắt lạ lẫm, nụ cười duyên, e thẹn. Cả không gian xuân lại bừng lên. Đối với cây đào ta đa phần sống phân tán, độc lập song nó tô điểm khí xuân phơi phới. Giờ các homestay đã biết chăm chút những cây đào ta mình chủ đích trồng, kỳ vọng nó tạo cảnh quan cho cả cộng đồng.
Mùa hoa mận ở Nà Héc, xã Yên Lập, Chiêm Hóa năm nay hứa hẹn một tua du lịch hấp dẫn.
Không giống cây đào, cây lê xã Hồng Thái lại sống thành quần thể. Hiện nay toàn xã có tổng 106 ha cây lê, hầu như nhà nào cũng có vài gốc hoặc vài chục đến hàng trăm gốc trồng quanh vườn nhà, trồng trên đồi, núi. Anh Nguyễn Thìn, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Na Hang khẳng định, mấy năm gần đây Hồng Thái là trọng điểm du lịch của huyện Na Hang nên mùa hoa lê Hồng Thái càng được quan tâm. Lượng người có nhu cầu thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa lê ngày càng tăng. Xã Hồng Thái đã tổ chức được Lễ hội hoa lê cấp xã, dự tính năm 2023 tổ chức Lễ hội hoa lê cấp huyện. Bên cạnh hoa lê, xã Hồng Thái có mùa hoa cải vàng thuộc thôn Nà Mụ. Đây là sản phẩm du lịch khá mới, đặc sắc riêng có của địa phương, nhất là lại vào dịp mùa xuân.
Năm 2023 này xã Yên Lập (Chiêm Hóa) chuẩn bị tốt các điều kiện để đón du khách tham quan các vườn hoa mận tại thôn Nà Héc. Cung đường vào đây cũng được sửa chữa, gia chủ thì tất bật tạo các điểm cho du khách chụp ảnh, quay video. Chị Trần Hồng Nhung, du khách thành phố Tuyên Quang tâm sự, năm vừa rồi thấy trên báo đài, mạng xã hội “bung lụa” về các bức ảnh hoa mận ở Nà Héc đẹp quá. Xuân này nhóm của chị đã lên kế hoạch cho tua du lịch chụp ảnh ở Nà Héc. Sau đó đoàn di chuyển, tìm chụp với mùa hoa Mộc miên (hoa gạo).
Chỉ cần ngần ấy thôi, đã nói lên được tất cả mùa xuân ở xứ Tuyên này rồi!
Gửi phản hồi
In bài viết